Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đến Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, đứng trước cơ hội và thách thức của tình hình mới, Thành phố Hà Nội xác định và đề ra chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm thu hút FDI trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; của Chính, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tin tưởng và lựa chọn đầu tư; đồng thời quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền điện tử” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Quyền được đưa ra trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những mục tiêu và giải pháp của Hà Nội về thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động đến Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong những tháng đầu năm nay, và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Thưa ông, việc tổ chức hội nghị sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam. Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến căng thẳng trên thế giới, năm nay, Hội nghị có điểm gì khác so với các năm trước?
Ông Nguyễn Mạnh Quyền: Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị tại ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 của Ban chấp hành Thành uỷ, Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội; nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa giữa các Tỉnh, Thành phố với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 và cho các năm tiếp theo;
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, tiếp nối thành công của các Hội nghị xúc tiến đầu tư những năm vừa qua, thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” vào ngày 27/6/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 01 Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Tham dự Hội nghị dự kiến có 1.850 đại biểu, bao gồm lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện của Thành phố, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô; 29 đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, 8 tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế; cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước… Đặc biệt, Hội nghị chào đón hơn 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Thành phố. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư; kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.
Qua hội nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020; đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Các nhà lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn nhấn mạnh giải pháp ưu tiên cho phát triển Thủ đô là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Với vai trò là của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã đạt được những kết quả gì trong việc tham mưu các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)?
Ông Nguyễn Mạnh Quyền: Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND Thành phố về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tham mưu trình UBND Thành phố hàng năm ban hành các Kế hoạch và Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Được sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Hà Nội đã có cải thiện rõ rệt.
Từ cuối năm 2017, Hà Nội đã đạt và hiện nay đang duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Triển khai mô hình “Cơ quan Đăng ký kinh doanh thân thiện”; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2018, Thành phố đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp. Năm 2019, ban hành Đề án chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019 - 2025. Đã khai trương và vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (startupcity.vn).
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thuế, hiện nay chúng tôi đã triển khai việc cấp mã số doanh nghiệp tự động cho doanh nghiệp thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 95%; trao đổi thông tin với doanh nghiệp 100% qua thư điện tử.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tỷ lệ đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 97,3% trên tổng số số đơn vị tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.
Thực hiện liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước và Tổng công ty điện lực Thành phố để giảm thời gian tiếp cận điện năng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới).
Bên cạnh cải thiện các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: đất đai, vốn, lao động, Thành phố rất chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp.
Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm (trong đó 6 năm liên tiếp - từ 2012 đến 2018, Chỉ số PCI tăng hạng; năm 2019 tăng điểm và giữ nguyên mức xếp hạng). Chỉ số PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm trước), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Năm 2019 là năm thứ 2 thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Năm 2019 là năm đầu tiên Chỉ số PCI của Hà Nội có tới 9/10 chỉ số thành phần tăng hạng và giữ nguyên mức xếp hạng (trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng hạng và 01 chỉ số thành phần giữ nguyên mức xếp hạng).
Kết quả chỉ số PCI năm 2019 đã đạt mục tiêu của Thành phố đề ra là: “Đến năm 2020, Chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”. Kết quả Chỉ số PCI năm 2019 đã góp phần thực hiện mục tiêu khâu đột phá số 2 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.
Ông có thể nói rõ hơn về kết quả của chỉ số PCI?
Ông Nguyễn Mạnh Quyền: Có thể nới, kết quả Chỉ số PCI đã ghi nhận sự nỗ lực của Thành phố đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời cũng khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của Thành phố trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.
Năm 2020, Hà Nội phấn đấu duy trì Chỉ số PCI trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, chúng tôi tiếp tục duy trì các chỉ số thành phần có truyền thống xếp hạng tốt của Hà Nội là Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và chỉ số “Đào tạo lao động”. Đồng thời, duy trì kết quả của Chỉ số “Gia nhập thị trường” là chỉ số đã có sự cải thiện đột phá trong thời gian vừa qua, hiện đang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số như thiết chế pháp lý, Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch là các chỉ số có xếp hạng trung bình và 01 chỉ số có xếp hạng thấp (môi trường cạnh tranh bình đẳng) để tiếp tục nâng cao
Tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của dịch Covid-19.
Đồng thời, Thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia hiệp định EV-FTA và EV-IPA.
Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp.
Phát huy tốt hơn vai trò “cầu nối” của các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề để các chính sách của Thành phố lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp cũng như Thành phố nhanh chóng, kịp thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để có giải quyết, tháo gỡ.
Năm 2020 sẽ tiếp tục đánh dấu sự quyết tâm, quyết liệt của Lãnh đạo thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển. Ngay từ đầu năm, Thành phố đã đưa ra mục tiêu đấu thành lập mới thêm 30.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội kéo theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm sút, Sở Kế hoạch và Đầu tư cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu cao nhất về phát triển doanh nghiệp.
Vậy kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tính từ đầu năm đến nay, và mục tiêu thu hút đầu tư đến hết năm 2020 sẽ như thế nào? Ông có dự báo gì cho lĩnh thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tới, các giải pháp thu hút đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm nay và những năm tiếp theo?
Ông Nguyễn Mạnh Quyền: Hà Nội dự kiến thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2020, sẽ thu hút được 2.764 triệu USD, trong đó, nhóm đã cấp phép đến ngày 24/6/2020: 1.217 triệu USD. Trong đó: Cấp mới 286 dự án với vốn đầu tư đăng ký 341,3 triệu USD; 79 lượt dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký 384 triệu USD; 549 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá 490,85 triệu USD.
Một số dự án lớn đã cấp Giấy phép đầu tư là Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam (NĐT Nhật Bản đầu tư qua Đài Loan) – 174,5 triệu USD; Dự án Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc) – 47 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn – 246 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ (TSQ Việt Nam) tăng vốn – 67,5 triệu USD.
Dự kiến tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và phát triển” trong ngày mai Hà Nội sẽ trao Giấy phép cho 05 dự án, vốn đăng ký 1.547 triệu USD gồm Nhà đầu tư Viking Asia Holdings II Pte. Ltd và Credit Suisse AG mua vốn góp trong Công ty CP Vinhomes trị giá 650 triệu USD; Khu trung tâm KĐT Tây Hồ Tây tăng vốn 774 triệu USD; Khu chung cư Quốc tế Booyoung tăng vốn 35,8 triệu USD; Đầu tư xây dựng các công trình Trường mẫu giáo, Tiểu học và Trung học cơ sở Gateway vốn đăng ký 32,5 triệu USD.
Trong 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD (2018) và 8,669 tỷ USD (2019). Năm nay, Hà Nội dự kiến thu hút FDI từ 5-6,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới sẽ suy thoái nghiêm trọng, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Các trật tự và cấu trúc địa chính trị, kinh tế, xã hội thế giới, khu vực đang thay đổi với sự hình thành nhận thức mới, xu hướng mới và động lực tăng trưởng mới. Động thái rõ nhất là các công ty lớn của Mỹ và của nhiều quốc gia đang cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm đảm bảo an toàn nguồn cung, duy trì chuỗi sản xuất thông suốt.
Đứng trước cơ hội và thách thức nêu trên, Thành phố Hà Nội xác định và đề ra chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm thu hút FDI trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 và Chính phủ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020, cụ thể là tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tin tưởng và lựa chọn đầu tư; quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền điện tử” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Thành phố Hà Nội tiếp tục có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chọn lọc, tập trung kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật cao để đầu tư trong các lĩnh vực có tính chất lan tỏa phát triển các thành phần kinh tế khác như kết cầu hạ tầng giao thông, logistics; tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và các trung tâm xử lý số liệu datacenter; chú trọng đầu tư về môi trường, xử lý rác thải. Bên cạnh đó chú trọng đầu tư khu đô thị vệ tinh, khu đô thị thông minh và các hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu giao thương, du lịch (trung tâm thương mại, outlet…).
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)