Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần đúng với nhu cầu doanh nghiệp

11/10/2016 5:45 PM

(Chinhphu.vn) - Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa dù chiếm đa số nhưng lại có nguồn lực hạn chế. Do đó, để nâng cao khả năng sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp này đều mong muốn môi trường đầu tư có thêm nhiều cải thiện và có những ưu đãi riêng.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội. Ảnh: Kim Liên

Để hiểu rõ hơn nữa về các chính sách ưu đãi và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội về vấn đề này.

Thời gian vừa qua, đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, vậy doanh nghiệp Thủ đô đã, đang và sẽ nhận được những đãi ngộ gì, thưa ông?

Ông Mạc Quốc Anh: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là những quyết sách được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành, sát cánh của Nhà nước, các cấp ngành và hệ thống công chức cùng tham gia phát triển kinh tế, tạo ổn định và an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ thì toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp cơ sở đã đồng hành và chia sẻ đưa Nghị quyết 35 vào cuộc sống. Nghị quyết này có nhiều khoản sẽ giúp cho môi trường kinh doanh "sạch" hơn cho doanh nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Với vai trò dẫn dắt nền kinh tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, hải quan, thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục để đăng ký thành lập các doanh nghiệp. Việc giảm thời gian, chi phí thực hiện theo các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đã được các cơ quan ban ngành triển khai tích cực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tiêu biểu như từ tháng 6/2016, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp mới qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp); tính đến cuối tháng 5/2016, hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, chiếm 95,7% số doanh nghiệp hoạt động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 đặt ra.

Trong lĩnh vực hải quan, từ cuối năm 2015, Cục Hải quan Hà Nội đã triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung thứ hai trên cả nước cùng với quy chế phối hợp, đã giúp giảm thời gian trả kết quả từ 3-5 ngày so với trước đây, giảm thời gian lưu kho bãi, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu được thông thoáng, tập trung theo cơ chế một cửa liên thông.

Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức kỳ vọng sau khi Nghị quyết 35 ra đời từ việc ban hành bằng các Chỉ thị, các chính sách thì mong muốn các cấp chính quyền bằng những hành động hết sức thiết thực để tiết giảm hàng loạt các thủ tục hành chính, các giấy phép con, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp từ việc kỳ vọng đi vào thực tế, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới khoa học và công nghệ.

Thưa ông, rõ ràng Nghị quyết 35 ra đời đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, còn đối với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội sẽ có những giải pháp cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp Thủ đô tốt hơn?

Ông Mạc Quốc Anh: Hiệp hội đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số các yếu tố cụ thể do cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị. Thứ nhất là các chính sách ban hành của chúng ta phải phục vụ đa số cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách ở đây là phải dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, các loại thuế (ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp cố gắng giảm từ 20% xuống 17% trong thời gian tới).

Đặc biệt với nhu cầu về vốn, các ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong việc hạ lãi suất, lãi suất cho vay chỉ nên từ 6-7%/năm để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tăng cơ hội đầu tư.

Hơn nữa, các cơ quan thương mại cần tạo nhiều hoạt động giao thương để tăng tính liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương và các đối tác trên thế giới; phải tạo ra các cầu nối chặt chẽ với các tham tán thương mại quốc tế của các nước đóng tại Việt Nam và tham tán thương mại Việt Nam đóng tại các nước. Vì đây là yếu tố cần để làm sao tăng nguồn lực, tăng sự cạnh tranh nâng cao nhu cầu cho nền kinh tế bằng các giải pháp thiết thực.

Trong các hoạt động như trên, các cơ quan Nhà nước cần tạo đầu mối để chịu trách nhiệm, tăng cường khả năng giám sát chặt chẽ trong việc nâng cao môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp hoạt động này được tăng cường thực hiện và có hiệu quả thực chất.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn môi trường đầu tư tốt hơn nữa. Ảnh: Kim Liên

Thưa ông, câu chuyện về vốn thường xuyên là câu chuyện được các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhắc đến, vậy Hiệp hội đã có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn?

Ông Mạc Quốc Anh: Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị giúp đỡ cho doanh nghiệp. Thứ nhất là tập trung tái cấu trúc, định vị lại các doanh nghiệp để họ có các cán bộ làm tín dụng thật sự tốt, đảm bảo việc vay vốn thành công.

Ngoài việc huy động vốn, vay vốn qua hệ thống ngân hàng thì Hiệp hội cũng mong muốn doanh nghiệp nào có chất lượng, dịch vụ tốt, có khả năng cạnh tranh tham gia vào thị trường chứng khoán vì đây là kênh dẫn vốn giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn vay. Thông qua thị trường chứng khoán thì các doanh nghiệp này sẽ có một lượng vốn ngoài hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hiệp hội mong muốn những quỹ đầu tư, đầu tư mạo hiểm của các tổ chức đa quốc gia, quốc tế có thể hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp những vấn đề về vốn.

Đồng thời, huy động nguồn vốn nội khối ở trong tổ chức các hiệp hội để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư. Và hiện nay có một số Bộ, ngành đã dành quỹ cho các doanh nghiệp đổi mới về khoa học công nghệ, giúp cho các doanh nghiệp có nguồn quỹ ổn định, dài hạn.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì theo ông doanh nghiệp phải làm gì để tự cải thiện môi trường kinh doanh của mình?

Ông Mạc Quốc Anh: Thời gian qua, đã có nhiều hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Thông qua các diễn đàn như vậy, tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ vận dụng đầy đủ các chính sách ban hành, những gì phù hợp thì áp dụng, những gì bất hợp lý nên nêu ra và mạnh dạn đề nghị các chính sách nếu thấy không phù hợp thông qua các tổ chức hiệp hội, qua các cơ quan truyền thông báo chí từ Trung ương đến địa phương, để chúng ta có nhưng giải pháp thiết thực phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần phải mạnh dạn, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp cùng ngành nghề hoặc khác ngành nghề, với các doanh nghiệp trên khắp các tỉnh thành để chúng ta có thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, bởi chỉ có liên kết, hợp tác chúng ta mới có thể phát triển.

Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp phải mạnh dạn trong vấn đề cạnh tranh vì chỉ có cạnh tranh doanh nghiệp mới phát triển một cách bền vững được, chỉ có cạnh tranh chúng ta mới biết được doanh nghiệp đang đứng ở đâu và thương hiệu cũng như sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp đang đứng ở mức nào để chúng ta có thể đủ sức cạnh tranh.

Vấn đề nữa, các doanh nghiệp phải vận dụng mối quan hệ từ các cấp chính quyền để mạnh dạn trong vấn đề đầu tư, khai thác, mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần mạnh dạn tham gia các đoàn giao thương cùng các cấp chính quyền, giao thương với các tỉnh thành, tham dự các kỳ hội chợ, hội thảo bởi đó là những nơi mà doanh nghiệp có thể thu được các thông tin về mặt kiến thức và biết các doanh nghiệp bạn có thế mạnh như nào để xem khả năng của chúng ta cạnh tranh được hay không.

Kim Liên 

Top