Cần chuẩn bị kỹ càng cho chương trình phổ thông mới

12/08/2019 2:41 PM

(Chinhphu.vn) - Năm học 2019 - 2020, bên cạnh việc hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tổ chức bồi dưỡng, chuẩn bị kỹ càng cho năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho Sở GD&ĐT Hà Nội - Ảnh: Hòa An

Tiếp tục chuyển biến về quy mô, chất lượng

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT sáng nay (12/8), Phó Giám đốc Sở Lê Ngọc Quang cho biết, năm học 2018 - 2019, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, ngành Giáo dục Thủ đô đã hoàn thành tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu của Bộ GD&ĐT, tạo chuyển biến mạnh cả về quy mô và chất lượng.

Đây là năm học chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn tiếp tục giữ vững và có nhiều khởi sắc. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Đồng thời tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các phong trào thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Hiện toàn thành phố đã thành lập mới và xây mới 77 trường học; cải tạo và nâng cấp hơn 400 trường học, trong đó xây mới gần 2.500 phòng học. Đây còn là năm học đánh dấu bước chuyển mạnh trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia của Hà Nội. Toàn thành phố đã có 66,7% số trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn.

Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thủ đô cũng ngày càng hoàn thiện với hơn 150.000 người, trong đó 100% giáo viên đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Điểm mới, kết quả tiêu biểu trong năm học 2018 - 2019 được Sở GD&ĐT nhấn mạnh là chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học.

Lĩnh vực GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019 (trong đó có 11 giải Nhất); 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IPhO), Hóa học (IChO) tháng 7/2019, 3 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc...

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 tăng 0,8% so với năm 2018. Việc quan tâm đầu tư cải thiện cơ sở vật chất còn giúp tăng tỷ lệ trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú lên 99%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 0,5%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt hơn 90%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Cờ thi đua của UBND Thành phố cho các tập thể có thành tích - Ảnh: Hòa An

Chuẩn bị tốt nhất cho chương trình phổ thông mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thay mặt Bộ GD&ĐT đánh giá cao kết quả năm học vừa qua mà ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được, tiêu biểu như: Quy mô trường lớp được đầu tư mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các nhà trường được chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại; chất lượng giáo dục được nâng cao, mô hình học tập có nhiều đổi mới; công tác quản lý chỉ đạo theo hướng quyết liệt, sâu sát, hiệu quả...

Đặc biệt là chất lượng giáo dục của Thủ đô được khẳng định qua tỷ lệ tốt nghiệp và thi THPT quốc gia, và tỷ lệ học sinh đạt huy chương tại các kỳ thi quốc tế tăng dần theo từng năm; Hà Nội cũng xuất sắc ứng dụng CNTT trong dạy và học, nhiều môn học được ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy, là mô hình cho nhiều địa phương học tập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, năm học 2019 - 2020 là năm học bản lề triển khai chương trình đổi mới phổ thông, do đó Bộ đề nghị ngành GD&ĐT Thủ đô chú ý các nội dung: Tìm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chú ý đến việc quán triệt các vấn đề đổi mới giáo dục nhà trường, phương pháp dạy học, công tác đánh giá và quản lý nhà trường.

Đặc biệt, ngành GD&ĐT Hà Nội trong năm học 2019-2020 cần chuẩn bị kỹ càng các nội dung cho năm học học 2021 - 2011, bởi năm học 2021 - 2011 là năm bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương những nỗ lực, cố gắng của toàn bộ thầy và trò của ngành GD&ĐT Thủ đô đã không ngừng phấn đấu để đạt được những kết quả cao của ngành, tiếp tục là lá cờ đầu trong cả nước về GD&ĐT.

Nhấn mạnh về các công việc cần triển khai trong những năm tới, Chủ tịch TP cho biết trong chương trình phổ thông mới có trách nhiệm rất lớn của UBND các địa phương, vì vậy các quận, huyện, thị xã cùng các trường cần phối hợp, sớm tham mưu, đề xuất cho Thành phố triển khai chương trình để đạt được mục tiêu đào tạo cho học sinh theo phương hướng: Coi trọng vấn đề đạo đức, kiến thức, tri thức... đáp ứng yêu cầu đào tạo không chỉ của đất nước và còn cả quốc tế.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm việc giáo viên lâu năm không được ký hợp đồng; giảm tình trạng học trái tuyến; khuyến khích các trường chất lượng cao thực hiện cơ chế tự chủ. Ngoài ra, Chủ tịch TP Hà Nội mong muốn đội ngũ cán bộ, thầy và trò ở tất cả các trường nhìn thẳng vào những tồn tại trong hệ thống các nhà trường, học tập các mô hình hay, từ đó đưa môi trường giáo dục Thủ đô lên chất lượng cao hơn.

Hòa An

Top