Cần giải pháp căn cơ trong việc bảo tồn làng nghề truyền thống

28/05/2020 4:21 PM

(Chinhphu.vn) - Làng nghề truyền thống không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn đóng vai trò kinh tế quan trọng trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều làng nghề đang mai một và đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Do đó, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống cần có những giải pháp cụ thể, căn cơ.

Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Điển hình như, làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất thu nhập bình quân đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng;...

Mặc dù, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, công tác phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 14/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó, có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Nhưng đến nay, mới có 2 trong số 17 làng nghề truyền thống đã áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch rất nổi tiếng và thành công gồm: Làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, còn lại 15 làng nghề truyền thống chưa thực hiện hiệu quả.

Về phát triển làng nghề gắn với du lịch, theo kết quả tổng hợp năm qua, Thành phố đã đón trên 26,3 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, du lịch làng nghề và du lịch sinh thái đang được rất nhiều du khách quan tâm. Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm, ẩm thực, chữa bệnh... theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh. Hỗ trợ tạo thuận lợi về các thủ tục cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế... Từ đó, phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề…

Để phát triển làng nghề định hướng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành Công Thương cho rằng, thời gian tới, Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản. Theo đó, để bảo tồn và phát triển làng nghề, các nghề thủ công truyền thống trước tiên Hà Nội phải giải quyết vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành, nhất người dân ở các làng nghề. Bởi nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi. Những ý nghĩa văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy một cách đúng mức sẽ dẫn đến mất bản sắc nghề. Thậm chí, còn có xu hướng thương mại hóa, chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống bị suy giảm, thương hiệu của làng nghề bị phai mờ.

Ngoài ra, các sở, ngành Thành phố cần xem xét kỹ và nắm vững được những đặc thù của làng nghề thủ công truyền thống trước khi tham mưu ban hành chính sách, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát triển các làng nghề.

Có thể thấy, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có thể hiệu quả khi giải quyết vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Sản phẩm làm ra vừa phải chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa của cha ông vừa phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội đương đại.

Diệu Anh

Top