Cần nâng cao ý thức văn hóa chung cư

03/10/2017 9:03 AM

(Chinhphu.vn)-Trong điều kiện đô thị chật hẹp về tiện ích sống, ở chung cư là một giải pháp tối ưu. Một tòa chung cư hiện đại chứa số người tương đương với khoảng một làng. Nhưng nếu ở một ngôi làng có sự dàn trải không gian sống thì chung cư lại bị bó gọn lại trong một phạm vi không gian hẹp, chật chội.

Văn hóa thang máy

Sống ở các khu chung cư cao tầng, việc di chuyển bằng thang máy là việc vô cùng cần thiết và không thể thiếu. Tuy nhiên vẫn có những hành xử thiếu văn hóa khi tham gia phương tiện công cộng này. Nào là đi thang máy là phải ấn cả lên lẫn xuống, cả bên thang hàng lẫn thang chở người, dẫn đến thang máy chạy lên xuống không cần thiết và gây thời gian chờ lâu...

Mới đây, hình ảnh một số người Việt say rượu rồi nôn mửa khắp từ tầng hầm đến thang máy ở khu đô thị CT3 Nam Cường Hoàng Quốc Việt đã khiến người dân nổi giận vì sự thiếu ý thức của những người này.

Chính những hành vi sử dụng thang máy của người dân đã góp phần không nhỏ đến sự xuống cấp nhanh chóng của thang máy sau khi đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn. Văn hóa sử dụng thang máy không tốt chỉ là một góc nhỏ tại những khu chung cư, nó còn chen vào ngóc ngách của từng hành lang, góc nhỏ tại đây.

Còn rất nhiều những hành xử thiếu văn minh khác gây khó chịu cho cộng đồng như: Cho trẻ con ăn trong thang máy, cứ đi lên rồi đi xuống rồi lại đi lên; đàn ông cởi trần vào thang máy; viết vẽ bậy vào thang máy… Những nội dung này cũng được nhắc nhở chung chung tại các khu chung cư. Tuy nhiên, đa số sự việc vẫn dừng lại ở mức độ kêu gọi, và dường như một số người dân vẫn đem thói ăn ở thiếu ý thức của mình đến những nơi văn minh.

Văn hóa cộng đồng

Cùng với sự phát triển của các khu đô thị mới với những tòa cao tầng hiện đại mọc lên ngày càng nhiều tại Hà Nội, người dân, phần lớn là lớp người trẻ, rất thích được sống trong các căn hộ tiện nghi tại các tòa nhà chung cư cao tầng. Sống ở chung cư, hay sống trong khu đô thị mới đang là mục tiêu hướng đến của rất nhiều người khi muốn an cư để lập nghiệp

Đã mang tên gọi là “chung cư” thì không gian, tiện ích “chung” chiếm số lượng nhiều hơn bình thường. Câu chuyện thiếu ý thức của một số cư dân ở các khu đô thị không còn là chuyện lạ. Cư trú tại nhà tập thể cao tầng thường là cán bộ, công nhân, viên chức,... dù quê hương, điều kiện kinh tế khác nhau nhưng lại gần gũi về công việc, giờ giấc, tuổi tác... cho nên đa số gia đình sống hòa thuận, biết bảo nhau giữ mối quan hệ, giữ gìn môi trường. Tuy nhiên, nhiều căn hộ đã mua đi bán lại. Dần dà, nền nếp tập thể bị xem nhẹ, mọi người ít khi nhắc nhở, phần ngại va chạm, phần có người không thích ứng với nền nếp văn hóa, tự làm theo ý mình.

Chung cư sẽ rất khó có không gian văn minh công cộng khi nhân khẩu trong một số gia đình tăng lên, xảy ra hiện tượng cơi nới bừa bãi, làm giảm tính thẩm mỹ và gây nguy hiểm cho công trình. Tình trạng này không chỉ xuất hiện tại các khu tập thể cao tầng cũ ở Hà Nội, mà còn xuất hiện ở khu tập thể cao tầng của nhiều thành phố khác. Một số nơi, đang ở trong tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Từ hiện tượng đi đổ rác đựng không kín nước chảy tong tỏng từ nhà ra đến hầm đổ rác; đem rác ra hầm nhưng không cho xuống mà để luôn tại đó; đổ rác xong không đậy nắp hầm rác, để xe bừa bãi trong hầm hoặc cố để nơi gần cổng nhất dẫn đến lộn xộn... đến những hành vi nguy hiểm đến tính mạng như vứt than; vàng mã chưa đốt hết xuống hầm đổ rác; phóng xe nhanh, ẩu trong khu vực trẻ con đang chơi.

Ðiều kiện vật chất-tinh thần của xã hội ngày càng tăng cao, càng yêu cầu con người phải từ bỏ một số tập quán sống không còn thích hợp, từng bước hình thành và xây dựng một số tập quán sống mới, không những phù hợp với sự phát triển của văn minh, mà còn phù hợp với đòi hỏi của tính văn hóa. Ðối với việc xây dựng các chung cư cũng vậy, muốn cư dân sớm làm quen với kiểu tổ chức cuộc sống mới và hiện đại, thì ngay từ khi các khu chung cư ra đời, các cơ quan chức năng - nhất là các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, cần sớm quan tâm tới việc tuyên truyền, động viên dân cư tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa - văn minh. Không nên chờ tới khi xuất hiện hiện tượng tiêu cực mới xử lý.

Nguyễn Dũng

Top