Cần quy hoạch tổng thể đặt tên đường, phố tại Hà Nội

09/11/2015 1:55 PM

(Chinhphu.vn) - Tiêu chí đặt tên phải được xây dựng trong mối quan hệ giữa tên gọi với vị trí, quy mô, cơ sở hạ tầng… của đường, phố, bởi Thủ đô Hà Nội hiện nay quá rộng, đường, phố ngày càng mở rộng, do vậy tìm ra tên địa danh, sự kiện, danh nhân điển hình để đặt tên không phải là việc dễ thực hiện.

 

Các nhà quản lý, nhà khoa học đều chung nhận định, Hà Nội cần quy hoạch tổng thế và xây dựng tiêu chí để đặt tên đường, phố. Ảnh Huy Anh

Còn bị động trong dự báo và quy hoạch

Trao đổi về thực trạng công tác đặt tên đường phố tại Hà Nội hiện nay, TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhận xét: “Nói cho thật công bằng, công tác đặt tên đường phố của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những năm gần đây, có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng , thỏa mãn được phần nào yêu cầu của người dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Hà Nội”.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Quốc Quân, do tính chất đặc thù vô cùng phức tạp của công tác này của Thủ đô Hà Nội nên còn nhiều vấn đề còn bất cập. Bất cập lớn nhất là vấn đề dự báo và quy hoạch khi còn thiếu tính hệ thống.

Chính vì vậy, Hà Nội cần phải xây dựng tiêu chí cho việc đặt tên đường, phố Hà Nội nói riêng và đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng Hà Nội nói chung. Tiêu chí ấy phải phân được các cấp độ, dựa trên tầm mức vị trí của tên gọi và quy mô, vị trí của đường phố.

TS. Phạm Quốc Quân cũng nhận định, để làm được tiêu chí để áp dụng cho công tác này một cách ưu việt là vô cùng khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí đối với đặt tên danh nhân đòi hỏi sự đầu tư của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp.

Cũng về vấn đề quy hoạch trong đặt tên đường phố, TS.KTS Ngô Doãn Đức    , Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, từ sau khi được mở rộng với diện tích gấp ba lần so với cũ thì công tác đặt, đổi tên đường, phố tại Hà Nội không những phải kịp thời, mà còn phải cẩn trọng để tránh đi những bất cập trong tương lai.

Trong đó, kích thước và hình dạng đường phố có khá nhiều loại khác nhau do phụ thuộc vào địa hình, địa mạo và quy hoạch tổ chức giao thông đô thị, việc đặt tên là nội dung tiếp theo sau khi đường và phố đã hình thành, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, ổn định về dân cư. Thực tế có con đường chưa xong, chưa rõ và dứt khoát về quy hoạch mà các quận, huyện vẫn đưa vào danh sách đề nghị đặt tên là dễ phải điều chỉnh về sau này do mở tiếp và kéo dài ra đó cũng là một bất cập cần được chú ý từ khâu chuẩn bị.

Vì vậy, quy hoạch hệ thống đường và phố vốn dĩ làm căn cứ cho việc đặt tên phố, tên đường hãy nên có bản quy hoạch tổng thể đánh dấu các khu vực dự kiến dùng tên thiên về loại nào sẽ dễ hình dung hơn khi lựa chọn và xác định tên phố tiếp theo cho phù hợp.

Đặt tên chưa mang tính khoa học

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Hà Nội chưa thực sự chú ý tới quan hệ giữa địa danh hành chính và tên gọi đường phố.

Việc sử dụng tên đường phố làm phần lớn địa danh phường có phần chưa mang tính khoa học, có thể gây ra ý kiến thắc mắc về tiêu chí chọn tên phố làm địa danh phường, tại sao chọn tên phố này mà không chọn phố khác, bởi một phường chắc chắn có rất nhiều phố.

Bên cạnh đó việc một đơn vị hành chính và một đường phố trùng tên nhưng tọa lạc ở hai nơi hoàn toàn khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng, như trường hợp quận Hai Bà Trưng và phố Hai Bà Trưng (nằm ở quận Hoàn Kiếm); phường Quang Trung (thuộc quận Đống Đa) và phố Quang Trung (nằm trên đất quận Hoàn Kiếm). Các đơn vị hành chính khi nhập lại và chia tách cũng hình thành nên một dạng tương tự như phố Hạ Đình lại thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), phố Thanh Đàm (tên gọi cổ của huyện Thanh Trì) nay lại thuộc quận Hoàng Mai…

Số lượng tên đường phố mang tên danh nhân nhiều trong cơ cấu địa danh chung, nhất là tên danh nhân giai đoạn hiện đại. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính tới năm 2015, Hà Nội đã đặt tên cho 929 đường phố, trong đó 435 tuyến đường mang tên danh nhân (46,8%), 480 tuyến đường đặt theo địa danh và dạng tên khác (51,7%), 14 tuyến đường mang tên sự kiện (1,5%).

Bên cạnh đó, tiêu chí lựa chọn danh nhân chưa thật rõ ràng, dẫn đến tình trạng tên nhân vật lịch sử thời kỳ Cách mạng (hơn nửa thế kỷ) đặt tên cho đường phố quá tràn lan, tạo nên sự không công bằng khi so sánh với các danh nhân từ các triều đại trước đây với hơn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tên tuổi của không ít danh nhân lịch sử xứng đáng lại vắng mặt chưa được đặt tên.

Đối với các khu đô thị mới xây dựng, việc đặt tên cho các ngõ, phố hiện nay chưa hợp lý, chưa có định hướng về nội dung hoặc hình thức địa danh, gây nhiều khó nhăn cho bản thân dân cư và những người bên ngoài cần tìm đường. Tình trạng sử dụng trùng tên danh nhân cho các phố ở các quận, huyện, thị trấn của cùng một tỉnh không phải là hiếm, gây khó khăn cho việc người dân và các hoạt động bưu chính.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh, Hà Nội Còn thiếu tính quy hoạch trong việc đặt tên phố, phần lớn trong tình trạng bị động, “mở đường đến đâu, đặt tên đến đấy”.

Cần có tiêu chí trong đặt tên

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh  cho rằng, Hà Nội cần giải pháp nhằm xây dựng một hệ thống địa danh và hành chính mang tính hệ thống, đồng bộ, đáp ứng tiêu chí khoa học, văn minh, bền vững, thể hiện sự tôn vinh, duy trì các giá trị truyền thống, song mang tính “mở”, phù hợp với điều kiện phát triển của một Thủ đô đông dân, hiện đại.

Cần thiết phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hệ thống địa danh Hà Nội, không chỉ hạn chế ở khu vực truyền thống mà cả khu vực Hà Nội mở rộng sau năm 2008, tiến tới xây dựng một hệ bản đồ hoàn chỉnh về hiện trạng các lớp địa danh của toàn Hà Nội, bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành.

- Cần nghiên cứu quá trình phát triển của các lớp địa danh, bao gồm cả địa danh tự nhiên (sơn danh, thủy danh, địa danh các vùng đất) và địa danh phi tự nhiên góp phần tìm hiểu quá trình phát triển của Hà Nội về mặt tự nhiên và xã hội qua các thời kỳ.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật,  Nguyên Viện trưởng Viện Sử học - Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đưa ra tiêu chí cụ cho việc việc đặt tên đường phố trên địa bàn Hà Nội như: Đặt tên địa danh vốn có của địa phương, được nhân dân thường gọi; đặt tên các danh nhân (nhân vật lịch sử-văn hóa) người địa phương hoặc sự kiện diễn ra ở địa phương dự định đặt tên; đặt tên các nhân vật, sự kiện có liên quan gần nhau (các nhà văn, các tướng lĩnh, các nhà hoạt động cách mạng, các chính trị gia v.v...).

Còn tại tại các khu đô thị mới, đặt tên đường nên lấy tên đô thị làm gốc, sau đó là các con số thứ tự; tên đường giao thông nông thôn nên ưu tiên lấy tên địa danh của vùng đất đó, sau nữa nếu không còn tên địa danh thì đặt tên các danh nhân, nhân vật có công lao đóng góp với nhân dân địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật nhận định, để nâng cao chất lượng công tác đặt hoặc đổi tên phố, cần thiết xây dựng bản quy hoạch tổng thể các tên phố đã có, đánh dấu các khu vực đô thị Hà Nội và những phố mang tên người, tên địa danh… sẽ dễ thấy bức tranh tổng quan về tên phố của Hà Nội với những liên quan về hệ thống đường phố.

Huy Anh


 

Top