Cần tầm nhìn rộng hơn để tận dụng chất xám của đội ngũ trí thức

13/06/2016 2:30 PM

(Chinhphu.vn) - Không có tỉnh, thành nào số lượng văn nghệ sỹ, trí thức đông đảo, nhiều người nổi tiếng, nhiều thành tựu như Hà Nội, vấn đề đặt ra là cần tầm nhìn rộng hơn để sử dụng hiệu quả nguồn chất xám của lực lượng rất mạnh này.

Lãnh đạo TP Hà Nội gặp gỡ văn nghệ sỹ.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã chia sẻ như trên bên lề cuộc gặp gỡ giữa đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức với lãnh đạo TP. Hà Nội vừa được tổ chức.

Theo Họa sỹ Trần Khánh Chương, những cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và giới văn nghệ sỹ, trí thức rất được hoan nghênh bởi bên cạnh việc trao đổi những thông tin chung còn là dịp để lãnh đạo Thành phố có dịp lắng nghe những ý kiến góp ý tâm huyết nhất của giới trí thức, văn nghệ sỹ đóng góp cho sự phát triển Thủ đô.

Số lượng văn nghệ sỹ, trí thức sinh sống, làm việc tại Thủ đô tuy đông đảo (ví dụ như Hội Mỹ thuật Việt Nam có gần 1.000 hội viên), nhưng việc quản lý đang bị chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, không phải họa sỹ nào cũng tham gia cả 2 hội Mỹ thuật Việt Nam và Mỹ thuật Hà Nội. Đây là một hạn chế nếu các văn nghệ sỹ, trí thức muốn đóng góp ý kiến trong từng lĩnh vực phát triển của Hà Nội. Họa sỹ Trần Khánh Chương chia sẻ, ông tin rằng bất kỳ nghệ sỹ, trí thức nào đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô đều mong muốn có những đóng góp cho Hà Nội và ông cũng tin rằng giới văn nghệ sỹ, trí thức có đủ năng lực, trí tuệ để đóng góp cho Thủ đô.

“Lực lượng này ở Thủ đô rất mạnh, điều Thành phố cần làm là một tầm nhìn rộng lớn, có định hướng, cơ chế cụ thể để tận dụng được hết chất xám của đội ngũ này”, họa sỹ Trần Khánh Chương chia sẻ.

Về văn học nghệ thuật, ông Chương cho rằng, phải đặt văn học nghệ thuật Thủ đô cho đúng tầm, bởi Hà Nội có rất đông các nghệ sĩ mặc dù công tác tại các cơ quan Trung ương, nhưng lại là công dân Hà Nội. Chính vì thế, phải có cơ chế để kết nối, phát huy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ vào sự phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô.

Bên cạnh đó, với đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo như vậy, Hà Nội cũng cần nghiên cứu mô hình hoạt động của các hội cho phù hợp, chứ không thể giống như các địa phương khác. Rồi cơ chế hỗ trợ các hội văn học nghệ thuật hoạt động cũng cần đổi mới, xóa bỏ tư duy bao cấp, mà chuyển thành cơ chế đặt hàng.

Họa sỹ Trần Khánh Chương bày tỏ sự vui mừng với việc Thủ đô đang hướng tới xây dựng sáng – xanh – sạch - đẹp. Tuy nhiên, theo ông, Hà Nội cần cụ thể hóa hơn nữa ở từng tiêu chí. Gần đây HN đã làm rất đúng khi bỏ bớt các đèn trang trí ngang, khẩu hiệu, biển quảng cáo nhằm mục tiêu tập trung vào an toàn giao thông. … hay việc cắt tỉa cây xanh không chỉ trong mùa mưa bão cũng giúp đường phố thoáng, xanh và đẹp và là cách làm Thành phố cần tiếp tục phát huy.

Đóng góp ý kiến với lãnh đạo Thành phố, nhiều nhà trí thức đã bày tỏ những trăn trở cùng với sự phát triển của Thủ đô. Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng nông thôn mới, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhận định, Hà Nội đã có thành tựu rất lớn trong xây dựng NTM, đã đạt đc 201/386 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành quy hoạch các xã NTM. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như xây dựng đời sống văn hóa, phát triển sản xuất hay vấn đề bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, với yêu cầu về tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, trong 386 xã của Hà Nội có gần 70 xã nằm trong vùng từ nay đến 2030 sẽ trở thành đô thị trung tâm. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố cần chú trọng đến đặc thù của Hà Nội để xây dựng tiêu chí riêng về NTM như về giáo dục, thu nhập bình quân và bảo vệ môi trường. Có những vùng cần tập trung mũi nhọn như  Chương Mỹ, Thường Tín, Hoài Đức, Gia Lâm là những vùng nằm trong phát triển đô thị lớn.

Với việc bảo tồn di sản, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị Thành phố  cần phải bảo tồn các di sản không chỉ trong danh mục các di sản trước năm 1954, mà còn cả những di sản từ năm 1954 – 1986 trong đó có những di sản chứa đựng những thành tựu về kiến trúc rất có giá trị.

PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ nêu,trong nhiệm vụ và các khâu đột phá, TP. Hà Nội đã xác định đẩy mạnh kinh tế trí thức, đây là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Thành phố cần thảo luận và đưa ra chiến lược về phát triển kinh tế tri thức gắn với từng nhiệm kỳ, có cả lộ trình và bước đi cụ thể.

Riêng lĩnh vực văn hóa, nhà thơ Bằng Việt nêu ý kiến, dù kinh tế phát triển đến đâu, hội nhập đến đâu cũng phải giữ được bản sắc văn hóa, phải lấy yếu tố con người làm trung tâm, động lực phát triển. Hà Nội thuận lợi khi có đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nên vấn đề ở đây phối hợp thế nào để khơi thông được nguồn lực ấy.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều nhà trí thức của Thủ đô nhận định, Hà Nội dù có thể chỉ đứng trong “top” 10 về kinh tế, nhưng phải đi đầu về văn hóa, “để văn hóa soi đường, dùng văn hóa của Hà Nội để làm động lực phát triển kinh tế”.

Gia Huy

Top