Cần tiếp tục tháo gỡ về cơ chế để xây dựng nông thôn mới

17/10/2019 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xây dựng nông thôn mới (NTM).

Do chưa ban hành cơ chế chính sách về tích tụ ruộng đất nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất hạn chế - Ảnh minh họa

Cụ thể, về cơ chế chính sách liên quan đến xây dựng NTM, căn cứ Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 về quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016, trong đó có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho công tác dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa đường giao thông nội đồng và giao thông thôn xóm.

Sau 4 năm thực hiện, chính sách trên được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đánh giá phát huy hiệu quả rất tốt trong công tác xây dựng NTM. Căn cứ Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 2/12/2015, của HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 59/2016/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, trong đó tiếp tục chính sách hỗ trợ kinh phí đào đắp, vật liệu kiên cố hóa giao thông thủy lợi nội đồng đối với những diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa.

Theo chính sách nêu trên, ngoài phần hỗ trợ của ngân sách thành phố, ngân sách cấp huyện (70% kinh phí đào đắp, trong đó ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 20%; 100% kinh phi mua vật tư, ngân sách thành phố hỗ trợ 80%, ngân sách huyện 20%), các khoản chi còn lại do ngân sách cấp xã thực hiện và huy động ủng hộ đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các nguồn tài chính khác.

Tuy nhiên, việc bố trí vốn ngân sách cấp xã và huy động đóng góp của người dân và các nguồn tài chính khác còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương không huy động được đã bố trí từ ngân sách huyện.

Ở lĩnh vực khác, liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, do Trung ương và thành phố chưa ban hành cơ chế chính sách về tích tụ ruộng đất nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố rất hạn chế; các dự án thường tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến vì hiệu quả sử dụng đất cao hơn, lĩnh vực trồng trọt chưa có dự án vì gặp nhiều khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất do đòi hỏi diện tích lớn.

Đến nay, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án: Thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại khu đất bãi ven sông Hồng, xã Văn Khê, huyện Mê Linh; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Tốt Động; xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt ứng dụng công nghệ cao Dương Hạ, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ; xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao Ba Huân tại khu cầu Đỏ, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Về kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Sở KH&ĐT cho biết, cả giai đoạn 2011-2018 đã huy động được 63.328 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 34.465 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2018 là 28.864 tỷ đồng.

* Kết quả xây dựng NTM trong 10 năm qua:

Tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2010 - 2018 là 3,34%/năm.

Cơ cấu giá trị sản xuất năm 2018: Trồng trọt chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010; lâm nghiệp chiếm 0,28%, tăng 0,06% so với năm 2010; dịch vụ chiếm 4,12%, tăng 0,7% so với năm 2010.

Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình, tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.

Vĩnh Hoàng

Top