Cẩn trọng với kiến ba khoang

09/07/2020 3:59 PM

(Chinhphu.vn) - Bước vào mùa nắng nóng, mưa nhiều các bệnh lý về da liễu tăng cao hơn so với thời gian khác trong năm, nguyên nhân là do thời tiết và kích ứng côn trùng, trong đó chủ yếu là do kiến ba khoang gây nên.

Bác sĩ khám và tư vấn về da cho bệnh nhân. Ảnh: Thiện Tâm.

BSCKII Lê Thị Chi Phương, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong tháng 6 bệnh viện tiếp nhận gần 200 ca bị viêm da tiếp xúc kích ứng do côn trùng và do kiến ba khoang chiếm phần lớn.

Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị chà xát hoặc bị giết. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N). Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, đất bỏ hoang. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên chúng sẽ bay vào nhà dân, làm tổ và có thể đậu ở bất kỳ nơi nào từ quần áo đến chăn màn, chiếu gối, khăn mặt...

Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch. Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Khi bị kiến ba khoang bò lên cơ thể hoặc cắn, người bệnh sẽ bị tổn thương da do tiếp xúc, nếu bệnh nhân ngứa gãi dịch tiết của kiến ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp tình trạng tổn thương sẽ lan rộng.  

Vì vậy, để phòng tránh dính độc tố của kiến ba khoang, BSCKII Lê Thị Chi Phương khuyến cáo, thông thường kiến ba khoang không tiết độc tố nếu không bị nghiền nát, chà xát. Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang đang bám trên da, thay vì đập nát, giết chết con kiến thì bình tĩnh thổi hoặc gảy cho kiến bay đi rồi dùng vật dụng khác xử lý con kiến.

Nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng tránh kiến ba khoang, người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt bóng đèn có ánh sáng xanh, tím, tốt nhất là dùng bóng đèn có ánh sáng đỏ, vàng để hạn chế kiến ba khoang ở bên ngoài bay vào nhà. Đồng thời, trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kĩ giường gối, chăn chiếu; kiểm tra quần áo trước khi mặc; trước khi rửa mặt... Đề phòng côn trùng bay vào nhà bằng cách buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng.

BSCKII Lê Thị Chi Phương lưu ý, khi không may tiếp xúc hoặc bị kiến ba khoang cắn, cần lấy nước muối sinh lý hoặc nước vôi lỏng rửa chỗ kiến đốt. Khi rửa phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương. Đặc biệt, khi người dân bị kiến ba khoang đốt mà tự ý đi mua thuốc và dùng thuốc không phù hợp thì những tổn thương đó lại rộp lên và gây kích ứng hơn nữa, trở thành mụn bọc mủ, bệnh nhân cảm thấy rát, bỏng nhiều hơn, bệnh sẽ kéo dài hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, người dân không nên tự mua thuốc mà cần phải đi khám, để các bác sĩ chuyên ngành xác định, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời cho bệnh nhân.

Trước thông tin độc tố của kiến ba khoang có thể gây mù mắt khiến người dân hoa mang, nhưng theo BSCKII Lê Thị Chi Phương phân tích, kiến ba khoang có thể đốt gần mắt người bệnh nhưng theo phản xạ, người bệnh nhanh chóng nhắm mắt và xử lý kịp thời nên chỉ bị ảnh hưởng làm viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt.

Thiện Tâm

Top