Cấp gần 700 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

19/09/2019 2:41 PM

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, Sở Công thương đã cấp hơn 682 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền.

Trong đó có 111giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất thực phẩm, 571 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Ngoài ra Sở cũng đã cấp 291 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 6.500 bản tự công bố sản phẩm của 1.150 lượt doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Trong quá thẩm định, Sở đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP tới các đơn vị kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố; cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thực hiện Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội năm 2019, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có tổng số 798 cửa hàng kinh doanh trái cây (thêm 30 cửa hàng kinh doanh so với năm 2018).

Các kết quả về cấp đăng ký kinh doanh, khám sức khỏe, xác nhận kiến thức cho người trực tiếp kinh doanh trái cây, trang thiết bị, dụng cụ, nguồn gốc, xuất xứ… cụ thể như sau: 797/798 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp đăng ký kinh doanh, đạt tỷ lệ 99,9% (trước Đề án đạt 30%); 3.066/3.066 người đã thực hiện khám sức khỏe theo quy định, đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 68%); 3.066/3.066 người đã thực hiện xác nhận kiến thức về ATTP, đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 62,4%); 798/798 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP, đạt tỷ lệ 100% (trước đề án đạt 30%); 756/798 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây đạt tỷ lệ 94,74% (trước đề án đạt 50%); UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 797/798 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng các tiêu chí của đề án, đạt tỷ lệ 99,9%.

Trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được tổng số 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè (riêng quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 05 tuyến, Cầu Giấy 08 tuyến, Đống Đa 04 tuyến, Hoàn Kiếm 04 tuyến, Hoàng Mai 02 tuyến). Các lực lượng chức năng liên tục duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố còn lại của 12 quận.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, triển khai xây dựng Đề án tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 – 2020, Sở đã hoàn thiện và trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo.

Sở Công thương cũng ban hành và tổ chức triển khai Quyết định số 180/QĐ-SCT ngày 19/4/2019, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin Triển khai thí điểm hệ thống thông tin quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của thành phố Hà Nội và xây dựng trang thông tin của thành phố Hà Nội phục vụ tra cứu về trái cây của các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

Minh Anh

Top