Câu chuyện về người chiến sỹ anh dũng của trận địa Đồng Xuân

16/12/2016 9:35 AM

(Chinhphu.vn)-Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”-90 tuổi, 66 tuổi Đảng, nhưng Đại tá Vũ Tâm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội tự vệ giữ chợ Đồng Xuân, Liên khu I, vẫn giữ trong ký ức của mình tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và đầy tự hào khi kể lại, truyền lại tinh thần ấy cho thế hệ con em.

Đại tá Vũ Tâm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội tự vệ giữ chợ Đồng Xuân, Liên khu I - Ảnh: Kim Liên

Dù trận đánh tại chợ Đồng Xuân đã được lịch sử xác nhận và ghi chép khá đầy đủ, nhưng khi được nghe Đại tá Vũ Tâm, là người trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân kể lại, chúng ta mới thấy rõ hơn không khí chiến đấu sôi sục và mãnh liệt của nhân dân ta lúc bấy giờ.

Tối 19/12/1946, khi tiếng súng ở Pháo đài Láng bắn vào Thành Hà Nội báo hiệu toàn quốc kháng chiến cũng là lúc tại Liên khu I diễn ra nhiều trận tấn công vào quân địch. Vốn là một chiến sỹ tham gia trận đánh 60 ngày đêm, ông Tâm không thể nào quên hình ảnh những đồng đội đã chiến đấu với mình, nhớ lại cuộc sống mà thanh niên thời đó, đặc biệt là tiểu đội của ông đã chịu đựng cuộc sống khó khăn, gian khổ như thế nào. Ông cũng không thể không nhớ đến Lời thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu, ông Tâm bồi hồi, thời gian đó, đánh nhau với quân Pháp đến ngày 6/1/1947, thì quân số Trung đoàn chỉ còn lại 600 người, tiểu đoàn chỉ còn lại 150 người và Trung đội giữ chợ của ông chỉ còn 15 người. Với quân số ít như thế, để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, Trung đoàn đã làm buổi Lễ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh tại rạp chiếu phim phố Hàng Bạc.

“Hôm đó, trước bàn thờ Tổ quốc, khói trầm nghi ngút, có ảnh Bác Hồ, có quốc kỳ, trước mặt là những vũ khí rất thô sơ như lựu đạn, quốc, thuổng,... đồng chí Vũ Lăng, tiểu đoàn phó, thay mặt Trung đoàn đọc Tuyên thệ: “Hôm nay chúng ta làm lễ khai sinh ra đội quân quyết tử, chúng ta thề sống chết bảo vệ Thủ đô, chúng ta còn, Thủ đô sẽ không bao giờ mất, xin thề! xin thề! xin thề!”. “Đó là lời thề mà còn vang mãi bên tôi đến tận bây giờ”, Đại tá Vũ Tâm kể.

Trải qua hơn 1 tháng với biết bao gian nan, thiếu thốn, hiểm nghèo, để chiến đấu giam chân địch giữa lòng Thủ đô, Trung đoàn Liên khu I đã được Bác Hồ gửi thư động viên. Ông Tâm hồi nhớ lại: “Chúng tôi vô cùng xúc động, vui mừng phấn khởi khi được Bác Hồ gọi là “các em”. Điều này nói lên lòng thương yêu quý mến sâu sắc của Bác Hồ đối với các chiến sỹ. Lời thư Bác Hồ viết: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Bức thư của Bác đã đem lại cho các chiến sỹ, cán bộ Trung đoàn chúng tôi nhiều tình cảm, suy nghĩ và nghị lực mới.

Và ngày 14/2/1947, diễn ra trận đánh ác liệt nhất giữa các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô (đổi tên từ Trung đoàn Liên khu I) với quân Pháp. Đây là trận đánh lớn nhất của Liên khu I trong suốt 60 ngày đêm kìm chân địch tại Hà Nội. Trận đánh ở chợ Đồng Xuân được lịch sử Thủ đô xác nhận là một trong những trận đánh lớn nhất của Hà Nội, trận đánh có nhiều cái nhất, đó là: Quân địch sử dụng đội quân đông nhất và tinh nhuệ nhất; địch sử dụng binh hỏa lực mạnh nhất, pháo binh, máy bay nhồi bom, và trước đó 3 ngày 11, 12, 13/2, chúng đã bắn phá vào chợ Đồng Xuân; trận đánh kéo dài nhất (đánh từ 5h sáng đến 22h đêm); trận đánh có thương vong của cả ta và địch nhiều nhất (địch thương vong gần 200 tên; 4 xe tăng địch bị phá hủy, còn ta toàn tiểu đoàn chỉ còn 130 người và chợ đồng Xuân chỉ còn 10 người). Trong trận đánh ngày 14/2, Trung đoàn đã hy sinh 15 đồng chí, bị thương 19 đồng chí.

Lúc đó, không khí ở Liên khu I, II, III rất ác liệt. Các chiến sĩ cảm tử đều thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nên chỗ nào cũng chiến đấu quên mình. “Chúng tôi đã sống 4 tại chỗ: Ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ”, ông Vũ Tâm nghẹn ngào kể lại.

Có một kỷ niệm mà ông Tâm không thể nào quên trong ngày hôm đó, là sự hy sinh của đồng chí Đỗ Văn Thìn, đồng đội thân thiết của ông. Trong đợt đánh thứ 2, địch vào được chợ, đồng chí Đỗ Văn Thìn thấy Tiểu đội phó Nguyễn Thành Trường đang nằm tư thế yếu với địch liền rời chỗ ẩn nấp chạy ra hỗ trợ đồng chí của mình. Sau đó đồng chí Thìn đã hy sinh. Đồng chí Thành Trường sau khi tiêu diệt được địch đã chôn đồng chí Thìn ngay tại hố của mình.

“43 năm sau (16/1/1990), khi xây dựng lại chợ Đồng Xuân, chúng tôi tìm thấy hài cốt của đồng chí Đỗ Văn Thìn nằm dưới hố cùng một quả lựu đạn còn lại”, ông Tâm đã bật khóc khi nhắc tới người đồng đội của mình.

Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của chúng ta trong 2 tháng đầu kháng chiến ở Thủ đô và cũng là trận cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô trong nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Liên khu I Hà Nội.

Kim Liên

Top