Chăm lo lợi ích thiết thực cho người lao động

21/09/2017 5:30 PM

(Chinhphu.vn) - Lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm mục tiêu tập hợp thu hút phát triển đoàn viên, xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô phát triển toàn diện là mục tiêu giai đoạn tiếp theo của hoạt động các cấp Công đoàn Thủ đô.

Công ty Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội hiện có 4 xí nghiệp thành viên với hơn 1 nghìn lao động. Ảnh: Hòa An

Trình độ chuyên môn của lao động được nâng cao

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2013-2017, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu và có sự dịch chuyển mạnh giữa các thành phần kinh tế. Trình độ chuyên môn, tay nghề và nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật của người lao động ngày càng được nâng cao.

Mức lương tối thiểu vùng của người lao động (NLĐ) được điều chỉnh hàng năm tăng khoảng 7%-12,4%/năm, tiền lương của NLĐ trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp được tăng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên 5 triệu đồng/người/tháng năm 2017; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ trong khu vực hành chính sự nghiệp tương đối ổn định, tăng theo lộ trình điều chỉnh tăng mức lương cơ sở với mức tăng bình quân 9,5%/năm.

Trong bối cảnh phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và trong nước; trước tình hình thiếu và mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần chủ động và sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến, ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường,

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, vấn đề giải quyết việc làm cho NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc giải thể; tình trạng thiếu việc làm đã ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ. Bên cạnh đó, mức tiền lương tối thiểu vùng hiện nay chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ, do giá cả hàng hóa tiêu dùng, các dịch vụ xã hội, mặt hàng thiết yếu tăng cao.

Tích cực bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp Công đoàn đã chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, góp phần cụ thể hóa các quy định của pháp luật với các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đơn vị. Đến nay đã có 59,76% doanh nghiệp ký kết được Thỏa ước, nhiều bản đã đưa nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ về: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử...

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho hàng nghìn lao động dôi dư. Đến nay đã triển khai hướng dẫn lập dự án, thẩm định cho vay 403 dự án, bảo đảm đúng quy định, đúng nguyên tắc quản lý ngân quỹ quốc gia; đã giải ngân trên 95 tỷ đồng cho trên 4 nghìn lượt hộ gia đình, tăng thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đoàn viên và NLĐ. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức giới thiệu việc làm cho trên 10.000 lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Công nhân Công ty May Sơn Hà, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Hòa An

Công đoàn đã phối hợp với chính quyền từng bước nâng cao chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và hội nghị NLĐ, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở. Hàng năm đã có 99,79% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 65% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ; trên 40% đơn vị xây dựng được Quy chế Hội nghị NLĐ; 36,71% đơn vị xây dựng được quy chế đối thoại tại nơi làm việc; 97,09% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân.

Những việc làm này đã góp phần phát huy dân chủ, ý thức của NLĐ trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Nhiều Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã làm tốt việc thực hiện quyền đại diện tập thể NLĐ tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng nội quy lao động của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Nhân rộng các mô hình chăm lợi ích người lao động

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, mục tiêu giai đoạn tiếp theo của các cấp công đoàn là nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình chăm lo hiệu quả lợi ích thiết thực đoàn viên công đoàn, như Chương trình “Tết Sum vầy”, Chương trình "Nhà ở mái ấm Công đoàn”, chất lượng bữa ăn ca, chuyến xe nghĩa tình, Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các đối tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại lợi ích tốt hơn để đoàn viên và NLĐ có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”. Vận động người lao động đóng góp “Quỹ Xã hội”; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động xã hội, tương thân, tương ái, giúp đỡ NLĐ nghèo bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp công đoàn sẽ nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; chú trọng thương lượng về tiền lương, bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và những vấn đề cơ bản về phúc lợi tiến bộ; thúc đẩy thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước theo ngành và Thỏa ước đa doanh nghiệp.

Công đoàn các cấp cũng chủ động tham gia sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm việc làm cho NLĐ và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với NLĐ trước, trong và sau quá trình sắp xếp chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng dạy nghề theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo tại doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu dạy nghề theo quy định đã được giao, quan tâm đến dạy nghề chất lượng cao.

Hòa An

Top