Chậm tiến độ xây dựng: Công trình “chôn” vốn

11/05/2016 10:00 AM

(Chinhphu.vn) – Nhiều năm nay, vốn đầu tư vào các dự án xây dựng chiếm đến 40% GDP, nhưng do chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời. Có thể nói các công trình chậm tiến độ đang "chôn" một lượng vốn khá lớn của toàn xã hội.

Chậm tiến độ không những ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình mà còn làm lãng phí nguồn lực của toàn xã hội. Ảnh: Nguyễn Dũng

Nhiều công trình "án binh bất động"

Hà Nội là đô thị có tốc độ phát triển về xây dựng đứng đầu cả nước. Bên cạnh sự “thay da đổi thịt” nhờ các đường cao tốc, khu chung cư hiện đại thì cũng còn không ít các dự án dở dang, chậm tiến độ đang như những “đốm xám” trên diện mạo của thủ đô.

Dự án Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) nằm trên đường Lê Văn Lương đã khởi công nhiều năm nay. Thậm chí, hiện nay một số tòa đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng các tầng thương mại, cảnh quan sân vườn... tại 3 tòa nhà 101, 102, 103 cụm CT1 của cụm dự án này vẫn chưa hoàn thiện khiến tổ hợp chung cư này vẫn như một đại công trường dang dở dù đã có người đến ở.

Hoặc như tổ hợp dự án Sky Garden Towers tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) được thiết kế đa mục đích: thương mại, văn phòng, căn hộ, được khởi động từ cuối 2011. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, dự án ngừng thi công. Dự án Sky Garden do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư nhưng nhiều khách hàng lên tiếng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án tạm dừng. Theo đúng tiến độ, dự án phải giao nhà cho người mua vào tháng 6/2014. Thế nhưng hiện tại, công trình này mới đổ khung tầng 7 trên tổng số 28 tầng và hiện không có dấu hiệu gì của hoạt động sản xuất trên công trường này. 

Dự án 198B Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) nằm ở vị trí đẹp (nút giao Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc) đã xây cao 21 tầng, do Công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, dự án đang sa lầy vì tiến độ và có nguy cơ đổi chủ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu không đủ năng lực tiếp tục thực hiện. Hiện nay công trình đã xây dựng xong phần thô theo quy mô cấp phép. Công trình này đang nằm trong danh sách một loạt các dự án nhà ở chậm tiến độ trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng TP Hà Nội.

Theo nhận định của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các dự án chậm tiến độ sẽ gây thiệt hại và lãng phí vô cùng lớn. Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư vào các dự án xây dựng (chiếm 40% GDP), nhưng do chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời bị "chôn" lại. Chưa kể thiệt hại về lãi suất cho người dân, những lãng phí về đất đai khó có thể đo đếm hết.

Từ chất lượng thầu đến trách nhiệm quản lý

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra nhận định, rất nhiều công trình đấu thầu kéo dài xảy ra chủ yếu ở công trình vốn Nhà nước. Hiện tượng cục bộ, địa phương, nể nang trong tổ chức lựa chọn nhà thầu (kể cả đấu thầu và chỉ định thầu), hiện tượng tiêu cực "quân xanh, quân đỏ" cho các công ty "sân sau" của chủ đầu tư cũng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thầu. Trong khi đó, những công trình vốn tư nhân công tác đấu thầu cực kỳ đơn giản và gọn nhẹ. Đặc biệt Luật Đấu thầu thiên về chọn nhà thầu giá rẻ mà không tính đến đầy đủ năng lực đảm bảo tiến độ và chất lượng nhà thầu dẫn đến đấu thầu kéo dài.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác dẫn đến hầu hết các công trình chậm tiến độ là do vốn không được đảm bảo. Hiện tượng phân bổ vốn dàn trải vẫn phổ biến, trình tự, thủ tục cấp vốn, thanh toán chậm trễ dẫn đến tiến độ thi công kéo dài. Thực tế, chỉ trừ một số dự án trọng điểm còn tuyệt đại đa số dự án triển khai chậm do nguồn vốn thực hiện không đủ, chậm quyết toán. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia dự án từ người quyết định đầu tư, chủ đầu tư các nhà thầu tư vấn, xây lắp còn hạn chế, bất cập so với tốc độ phát triển nhanh, quá nóng.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải làm rõ cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, từ phân bổ vốn kiểu rải mành mành đến vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu... để từ đó có chế tài xử lý. Thực tế, chúng ta đã có đủ quy định pháp lý để xử lý trách nhiệm dẫn đến tình trạng dự án "treo" nhưng chính chúng ta đang mắc bệnh cái gì cũng tập thể nên rất khó xử lý”.

Toàn bộ công trình xây dựng đều phải xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch kinh tế-xã hội phải đi trước một bước, quy hoạch vùng, chi tiết làm cơ sở cho dự án. Nhà nước phải sửa đổi bổ sung, thậm chí xây dựng hàng loạt những điểm mới liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang chủ trì một đề án lớn, đó là đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng.  Ông Trần Ngọc Hùng kỳ vọng đây sẽ là đề án thay đổi được cơ bản những yếu kém trong ngành xây dựng hiện nay và đặc biệt là tình trạng công trình mở ra rồi “đắp chiếu” như đã nêu. Đây cũng là đề án hy vọng sẽ coi trọng đúng mức lao động của những người xây dựng, đội ngũ trực tiếp đang xắn tay vào thực hiện nhu cầu xây dựng ngày càng phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Nguyễn Dũng

Top