Chăn nuôi có kiểm soát khi thực hiện tái đàn

22/09/2020 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, việc tái đàn, tăng đàn để phát triển sản xuất bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt đáp ứng cân đối cung cầu là cần thiết song phải tuân thủ nguyên tắc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín có kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu tháng 9 đến nay trên địa bàn Thành phố tiếp tục tái phát dịch tả lợn châu Phi tại hai huyện Chương Mỹ và Đông Anh, làm chết và tiêu hủy trên 60 con lợn. Nguyên nhân là từ việc người chăn nuôi nhập đàn do cung cầu và giá lợn cao, thời tiết diễn biến phức tạp…

Hiện nay, Hà Nội có 1.280 nghìn con lợn, tăng 19% so với thời điểm tháng 3/2020. Trong đó có khoảng gần 300 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn, với tổng đàn nuôi trên 400 nghìn con, chiếm gần 30% tổng đàn lợn toàn Thành phố.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 673 cơ sở giết mổ thủ công… Năm 2020, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đây là một lợi thế giúp cho chăn nuôi của Thủ đô phát triển hiệu quả và bền vững.

Để phòng chống dịch bệnh và tạo điều kiện khôi phục, tái đàn lợn trong chăn nuôi, thời gian qua, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch với phương châm “ phòng chống dịch bệnh như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”. Đồng thời tập trung chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định, không để lây lan ra diện rộng và làm ô nhiễm môi trường. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo đúng quy định.

Tuy nhiên, việc tái đàn của Thành phố cũng gặp khó khăn do tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao gần 60%; nhận thức của người dân về phòng, chống dịch còn hạn chế, đặc biệt các vùng nông thôn nghèo. Trên địa bàn Thành phố các cơ sở giết mổ còn nhiều. Bên cạnh đó, việc tiếp giáp với 8 tỉnh, thành tạo hạn chế cho Hà Nội trong việc vận chuyển lưu thông động vật và sản phẩm động vật ra rất lớn, khó kiểm soát.

 

 

Ngoài ra, chăn nuôi của Hà Nội vẫn bị tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguy cơ bùng phát bệnh trên gia súc, gia cầm quá cao như bệnh cúm lợn, cúm gia cầm, dại, bệnh mới…

Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư (phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn…). Chăn nuôi theo hướng sản xuất giống, hợp tác với các tỉnh sản xuất gia súc, gia cầm thương phẩm cung cấp cho Hà Nội.

Ngoài ra, để tái đàn và tăng đàn cần áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng VietGap, hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, sinh thái tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao như chuồng sàn, máng ăn, máng uống tự động…

Chỉ thực hiện tái đàn tại các khu chăn nuôi xa dân cư nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương; giống nhập về phải được nuôi cách ly, nhập ở những cơ sở an toàn dịch bệnh, có chứng nhận của cơ quan quản lý. Đặc biệt phải xử phạt hành chính các trường hợp tự động tái đàn không khai báo với chính quyền địa phương và chưa được sự nhất trí của cơ quan chuyên môn, không hỗ trợ tiêu hủy mà buộc tiêu hủy khi cần thiết.

Chỉ đạo, triển khai có hiệu quả, thường xuyên kiểm tra hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y của các cơ sở kinh doanh, giết mổ, các chốt kiểm dịch liên ngành góp phần bảo đảm kiểm soát dịch bệnh động vật. Hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc động vật đưa vào giết mổ.

Thiện Tâm

Top