Chế biến nông sản Hà Nội: Cần cơ chế thu hút đầu tư

12/09/2019 6:24 PM

(Chinhphu.vn) – Là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp khá mạnh, nhưng khâu chế biến nông sản của Hà Nội hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân phần lớn là do doanh nghiệp còn thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây truyền sản xuất. Thực trạng này đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Người tiêu dùng mua sản phẩm nông sản đã qua chế biến tại siêu thị. Ảnh: Thành Nam

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới chế biến vì thành phố có nhiều nhà đầu tư, đồng thời chính là nơi tiêu thụ rất lớn sản phẩm nông sản. Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ 32 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm giảm thiểu mối nguy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Thành phố kỳ vọng tất cả các sản phẩm phải sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này là nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Với các chợ truyền thống, ngành nông nghiệp cũng sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện Hà Nội đã có một số cơ sở chế biến nông sản lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì); nhà máy chế biến thực phẩm xúc xích của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (huyện Chương Mỹ)... Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến nông sản phần lớn nhỏ lẻ, gần 80% là chế biến thô, công suất chỉ đạt 5%-10% sản lượng nông sản. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất...

Mới đây, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản gắn với phát triển thị trường, góp phần tạo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 bình quân đạt từ 2,5% đến 3% trở lên.

Đồng thời, hình thành thêm từ 1 đến 2 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh; từ 1 đến 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, khu trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông, lâm, thủy sản (lúa gạo chất lượng cao, rau, quả, nông sản khô, lâm sản) tại các huyện, thị xã: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Đông Anh...

Đến 2020, 100% sản phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố sử dụng mã QR trên hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (hiện có địa chỉ: check.gov.vn) do Sở NN&PTNT thôn quản lý.

Định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm như: Rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao,...;

Đồng thời hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển 1 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu...

Để thực hiện được điều này, đi đôi với tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, Hà Nội khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp;...

Có thể thấy, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thành Nam

Top