Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm nhẹ 0,25%

26/05/2020 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,25% so với tháng trước.

Trong tháng 5, có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm 2,18% (tác động làm CPI chung giảm 0,2%) do ảnh hưởng của giá xăng dầu trong tháng được điều chỉnh giảm vào ngày 28/4, mặc dù ngày 13/5 có điều chỉnh tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82% do hầu hết giá các loại rau, trứng và quả tươi chế biến giảm, riêng giá thịt lợn, thịt gia cầm tươi sống, thịt chế biến vẫn tăng so với tháng trước.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89% (tác động làm CPI chung tăng 0,19%) do giá gas trong nước tăng mạnh trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ hoặc giữ mức tháng trước, trong đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 4.200 tỷ đồng, giảm 16,4% (do nhiều nhà hàng, khách sạn lớn vẫn còn dè dặt chưa hoạt động trở lại); doanh thu du lịch lữ hành đạt 300 tỷ đồng, giảm 69,1% (chủ yếu do khách du lịch giảm sút mạnh); doanh thu dịch vụ khác đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 212,8 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do doanh thu khách sạn, nhà hàng và du lịch giảm mạnh.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 143,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,5% tổng mức và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,6% và giảm 36% do trong thời gian dịch bệnh nhiều cơ sở kinh doanh tạm thời không hoạt động.

Trên cơ sở kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đến nay Thành phố Hà Nội đã cho phép các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (trừ vũ trường, karaoke,...) được phép trở lại hoạt động bình thường. Tại các chợ, tình hình mua bán đã tấp nập trở lại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh đồ dùng không thiết yếu cũng đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lượng khách cũng như số lượng hàng hóa mua bán trao đổi nhìn chung chưa nhiều do nguồn hàng xuất, nhập khẩu còn hạn chế. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên cũng có tâm lý tiết giảm chi tiêu.

* Lượt vận chuyển hành khách giảm hơn 36% so vói cùng kỳ

Trong tháng 5, hoạt động vận tải đã được phép vận chuyển trở lại, nhưng do tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 nên số lượng hành khách vận chuyển trên địa bàn Hà Nội vẫn thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước.

Số lượt hành khách vận chuyển tháng 5 ước tính đạt 22,2 triệu lượt hành khách, tăng 97,3% so với tháng trước và giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, số lượt hành khách vận chuyển đạt 127 triệu lượt hành khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải tháng 5 ước tính đạt 4.871 tỷ đồng, tăng 23,6% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu ước tính đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Minh Anh

Top