Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,2% so với tháng trước

29/09/2020 5:08 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này trên địa bàn Hà Nội tăng 0,01% so với tháng 12/2019 và tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 9, có 5/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước, trong đó: Tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 2% (tác động làm tăng CPI chung 0,14%), trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,18% do đầu năm học mới 2020-2021 giá học phí của một số trường trung học dân lập, trung cấp, cao đẳng tăng theo lộ trình); tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,78% (tác động làm tăng CPI chung 0,16%) do giá ga tăng 0,62% so với tháng trước; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14% (tác động làm tăng CPI chung 0,01%) do vào đầu năm học mới và cũng là thời điểm giao mùa nên nhu cầu mua sắm hàng may mặc, giầy dép tăng cao; 2 nhóm hàng  tăng nhẹ là thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế giữ mức tháng trước.

Có 5/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,32%; bưu chính viễn thông giảm 0,2%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,24%; giao thông giảm 0,08%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,17%.

Theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, CPI bình quân 9 tháng năm 2020 trên địa bàn tăng 3,30% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 9 tháng năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (1) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2019 (tác động làm tăng CPI chung 2,95%), chủ yếu do giá của nhóm hàng thực phẩm tăng 12,74%; ăn uống ngoài gia đình tăng 8,94%; lương thực tăng 3,84%; (2) Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,68% (tác động làm tăng CPI chung 0,14%) do từ ngày 01/01/2020 các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội áp dụng Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về việc ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 nên người dân khám bệnh và mua thuốc dự phòng nhiều hơn; (3) Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,66% (tác động làm tăng CPI chung 0,55%) do tăng giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 3,7%; giá điện tăng 6,83%; (4) Nhóm giáo dục tăng 2,47% (tác động làm tăng CPI chung 0,18%) do vào đầu năm học mới 2020-2021 nhu cầu mua các mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập tăng cao; sinh viên, học sinh sau thời gian nghỉ học do dịch Covid-19 đã quay lại trường học tập trung. Bên cạnh đó, giá học phí một số trường công lập trong năm học 2020-2021 cũng điều chỉnh tăng trong khung quy định theo lộ trình của Chính phủ góp phần làm chỉ số CPI nhóm giáo dục tăng.

Chỉ số giá vàng tháng 9 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 30,61% so với tháng 12/2019 và tăng 28,76% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 25,96% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá USD tháng 9 bằng tháng trước; tăng 0,12% so với tháng 12/2019 và tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2019.

Minh Anh

Top