Chính quyền cơ sở áp dụng nhiều sáng kiến CCHC hiệu quả

08/10/2022 3:29 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, song TP. Hà Nội đã tích cực chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều sáng kiến của chính quyền cơ sở các cấp đã được thực hiện và góp phần tích cực cho công tác này.

Nhiều sáng kiến cải cách hành chính của chính quyền cơ sở các cấp - Ảnh 1.

Mô hình "5 Thủ tục hành chính không chờ" đang được áp dụng trên địa bàn 18 phường của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Người dân ghi nhận sự chuyển biến trong CCHC

Không cần chờ đợi lâu, chỉ mất khoảng 10-15 phút cho mỗi thủ tục, mô hình "5 Thủ tục hành chính không chờ" đang được triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phát huy được hiệu quả.

Thay vì phải mất từ 30 đến 45 phút, thậm chí là chờ từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng hôm sau, 2 tháng nay, người dân sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chỉ mất từ 7-10 phút để làm thủ tục hành chính. Hồ sơ được trả luôn, công dân không phải đi lại nhiều lần, không tốn thời gian chờ đợi.

Mô hình 5 thủ tục hành chính không chờ này bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản; chứng thực chữ ký trong các loại giấy tờ, văn bản; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; cấp bản sao trích lục hộ tịch đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực từ người dân.

Bà Nguyễn Thị Tâm trú tại phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm chia sẻ "Mọi lần đến từ sáng nhưng hẹn đến chiều mới trả kết quả, giờ đến được lấy ngay, chỉ phải chờ 10-15 phút là họ làm luôn. Như vậy giúp chúng tôi đỡ mất thời gian, không mất công đi lại, nhất là trong thời điểm nắng nóng"

Còn ông Đinh Quang Huynh tại phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, năm nay cũng đã 70 tuổi, đã từng làm rất nhiều thủ tục hành chính và thường phải chờ đợi lâu, hết khâu này đến khâu khác mới nhận được kết quả nhưng nay, ông cảm thấy rất hài lòng với mô hình mới. "Tôi đến phường làm chứng từ cho mẹ, thủ tục rất mau lẹ, nhanh, thuận tiện cho người dân", ông Huynh cho biết.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm là 1 trong 4 quận lõi của khu vực nội đô lịch sử, cư dân quận Hoàn Kiếm là cư dân đô thị, khác với địa bàn khác nên khi thực hiện áp dụng mô hình chính quyền đô thị rất phù hợp. Những thủ tục người dân đến làm được giải quyết ngay, chúng tôi gọi là "Thủ tục hành chính không chờ" và đã thấy được hiệu quả. Đặc biệt đem lại lợi ích mà người dân là đối tượng được hưởng thụ.

Để "ngày thứ 6" luôn xanh

Thay vì kéo dài từ 1-10 ngày làm việc theo như quy định trước đây, thì nay khi thực hiện "Ngày thứ 6 xanh", thời gian giải quyết các TTHC tại chính quyền các cấp huyện Hoài Đức đã rút ngắn xuống chỉ còn 60 phút.

Mô hình áp dụng với 4 TTHC gồm: Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh (theo Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 01-10-2021 của UBND Thành phố); thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học (theo Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 14/4/2020 của UBND Thành phố); thủ tục chuyển trường đối với học sinh tiểu học (theo Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 19/1/2021 của UBND TP. Hà Nội) và thủ tục cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ Liệt sỹ (theo Quyết định số 6395/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 của UBND Thành phố).

Nhiều sáng kiến cải cách hành chính của chính quyền cơ sở các cấp - Ảnh 2.

Cán bộ bộ phận "Một cửa" UBND huyện Hoài Đức tiếp nhận, hướng dẫn công dân giải quyết TTHC.Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chuyên môn, những ngày đầu triển khai Mô hình, hàng chục hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, không mất nhiều thời gian chờ đợi và được người dân hài lòng, đánh giá cao.

"Thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, sáng tạo trong xây dựng các mô hình CCHC theo tinh thần phục vụ, đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC, rút ngắn thời gian, cắt giảm các chi phí TTHC; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để công tác CCHC của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực", ông Đức cho biết.

Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, cùng với việc tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo hướng: "Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì phân cấp ủy quyền cho cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, kéo dài thời gian giải quyết TTHC".

"Với những mô hình sáng kiến như: "Ngày Thứ 6 xanh", "Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn" trong giải quyết thủ tục hành chính và nhiều giải pháp thiết thực khác nữa đã và đang được các quận, huyện triển khai thực hiện hiệu quả đã tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết thêm, vừa qua, Bộ Nội vụ đã giúp UBND Thành phố tổ chức Hội nghị trực tuyến "Nâng cao hiệu quả công tác CCHC thành phố Hà Nội" với hơn 5.000 người nghe để thành phố quán triệt chủ trương CCHC phân cấp, ủy quyền của thành phố xuống cán bộ cơ sở, đồng thời đề xuất thời gian tới Bộ Nội vụ giúp thành phố triển khai đánh giá thủ tục hành chính của các sở, ngành và cấp huyện để làm thí điểm trong năm 2022 và chính thức vận hành năm 2023. Đây sẽ là động lực để cán bộ, công chức làm tốt hơn, trách nhiệm hơn.

"Quan điểm về CCHC của thành phố Hà Nội là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người vẫn là mấu chốt trong hệ thống đó", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định.

CCHC được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; là khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo kết quả công tác CCHC TP Hà Nội, Chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội năm 2021 đạt 44,45/80 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp cao nhất, tăng 39 bậc so với năm 2020 (năm 2020 xếp thứ 48, năm 2019 xếp thứ 59). Đặc biệt, chỉ số nội dung "Quản trị điện tử" của Thành phố đạt 3,16/10 điểm đứng đầu cả nước về điểm số và thứ hạng. Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) của Hà Nội tiếp tục có sự cải thiện; năm 2021 đạt 87,11%, tăng 1,96 điểm % so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2020.

Minh Anh

Top