Chống dịch Covid-19: Cần giữ khoảng cách an toàn tại chợ, siêu thị

01/04/2020 12:20 PM

(Chinhphu.vn) – Để bảo đảm việc giữ khoảng cách tối thiểu nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Thủ đô đã kẻ vạch, dán ký hiệu giữ khoảng cách 2m cho người dân khi tới mua sắm, dựng kính chắn tại điểm thu ngân hay trang bị mũ có tấm che mặt cho nhân viên quầy thu ngân... Tuy nhiên, để các biện pháp này đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19 thì rất cần ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Nhiều siêu thị đã có vạch kẻ chia khoảng cách đứng cho khách hàng. Ảnh: Bích Phương

Siêu thị tích cực triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm an toàn

Nhằm chung tay cùng Chính phủ và thành phố Hà Nội phòng, chống COVID-19, hàng loạt các cơ sở kinh doanh không cần thiết tạm thời đóng cửa. Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm, hoa quả, xăng dầu…các doanh nghiệp đã tích cực triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống COVID-19 như: Trang bị dung dịch sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang cho khách hàng… thậm chí, để bảo đảm việc giữ khoảng cách tối thiểu nhiều hệ thống còn kẻ vạch, dán ký hiệu khoảng cách đảm bảo sự an toàn cho khách hàng.

Theo khảo sát của phóng viên, tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy), hàng loạt những tấm kính chắn và tấm dán quy định chỗ đứng của khách hàng tại quầy thanh toán đã được lắp để hạn chế tình trạng đứng quá sát nhau. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, những biện pháp phòng tránh dịch này đã được siêu thị thực hiện cách đây gần 1 tuần. Tại các quầy thu ngân đều có thông báo “Giữ an toàn trong mùa dịch - Vui lòng giữ khoảng cách bằng cách xếp hàng trên vị trí được dán trên sàn và đợi tín hiệu của thu ngân”. Ngoài ra, hệ thống loa của siêu thị liên tục nhắc nhở khách hàng chấp hành nghiêm chỉnh theo hướng dẫn".

Trong khi đó, tại một số siêu thị Vinmart (quận Cầu Giấy), toàn bộ nhân viên quầy thu ngân được trang bị mũ có gắn tấm chắn bảo vệ, đồng thời dưới sàn siêu thị cũng gắn các tấm dán quy định chỗ đứng của khách hàng để ngăn tình trạng đứng sát nhau. Đang mua hàng tại siêu thị Vinmart, chị Nguyễn Thu Trang (Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc quy định chỗ đứng cho khách của siêu thị và trang bị mũ bảo vệ để bảo đảm an toàn cho cả nhân viên và người mua hàng. Những vạch quy định chỗ đứng sẽ giúp khách hàng định vị được khoảng cách với người đứng trước, nhờ đó sẽ ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19”.

Tại nhiều siêu thị, các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách hàng và cộng đồng được triển khai khá chu đáo. Nhiều người đến mua sắm thực hiện khá nghiêm túc việc sát khuẩn, đeo khẩu trang. Tuy nhiên, do diện tích nhỏ nên tại các cửa hàng tiện ích, việc giữ khoảng cách 2m cũng khó được bảo đảm như ở các siêu thị. Vì vậy, hơn hết, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức, tự giác bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Cần tuân thủ khoảng cách tối thiểu 2m khi mua sắm

Hiện tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đã có những biện pháp chống dịch Covid-19 nhưng tại các chợ dân sinh thì việc bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu khi mua sắm của người dân dường như vẫn chưa có. Hầu hết mọi người chỉ nhắc nhau sát khuẩn, đeo khẩu trang, còn việc giữ khoảng cách tối thiểu giữa mọi người dường như không thể thực hiện.

Là một người nội trợ, chị Nguyễn Thị Châm (Xuân La, Tây Hồ) thường đi chợ mua thực phẩm cho gia đình, chị chia sẻ: “Sau khi dịch bệnh bùng phát, tôi thấy nhiều tiểu thương và người dân đã có ý thức nhắc nhau đeo khẩu trang, nhưng việc sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn giữa người bán và người mua hay những người mua với nhau thì không được người dân chú ý, ”.

Anh Đỗ Hoài Nam (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho rằng, nên có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn và có hình thức xử phạt mạnh hơn như xử phạt việc không đeo khẩu trang đối với cả việc giữ khoảng cách nơi công cộng, chợ dân, siêu thị,... Như vậy người dân mới hình thành ý thức tự giác được..

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, việc khuyến cáo người dân đứng cách xa 2m khi đi mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nhu yếu phẩm như hiện giờ chưa đủ sức răn đe. Để người dân có ý thức hơn, có lẽ cần phải có những biện pháp răn đe, chế tài mạnh hơn.

“Người dân mình cứ phải bắt buộc thực hiện, không tuân thủ cần phạt nghiêm minh thì mới được. Ngay cả các những nơi bán hàng, cũng cần có biện pháp đề nghị người mua hàng tuân thủ như: Vạch kẻ chia khoảng cách, có thông báo khuyến cáo, ai vi phạm sẽ không được thanh toán khi đến lượt mà phải xếp cuối hàng…”, ông Phú cho hay.

Hiện nay, nhiều quốc gia như tại Ấn Độ hay một số nước khác, họ làm điều này rất tốt. Ai vi phạm có chế tài xử phạt ngay. Đơn vị bán hàng nếu không phòng dịch tốt, nếu có khách tới siêu thị mà bị mắc Covid-19 và lây lan thì cả siêu thị phải đóng cửa, lúc ấy hệ lụy còn lớn hơn.

Chính vì vậy, nếu người dân không tự ý thức được việc giữ khoảng cách tối thiểu tại các chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện ích…thì cần thiết phải áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc.

Bích Phương

Top