Chủ động chống rét cho cây trồng vật nuôi

12/01/2021 11:11 AM

(Chinhphu.vn) - Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thời tiết trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021 được dự báo có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng, vật nuôi. Theo đó, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng các biện pháp chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi cũng như cây trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bảo đảm các biện pháp giữ ấm cho đàn nuôi. Ảnh: Thiện Tâm.

Cụ thể, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, quận và thị xã Sơn Tây tập trung chỉ đạo sản xuất trồng trọt trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Đối với cây rau màu vụ Đông 2020, khi có dự báo xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại xảy ra, nhiệt độ xuống dưới 15°C cần tập trung thu hoạch cây rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch, gần đến kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng. Đồng thời không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại; tưới đủ ẩm, bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mủn, rơm, rạ,... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; đối với nhóm rau ăn lá nên che phủ bằng nilon; những ngày có sương muối, băng giá dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. 

Khi nhiệt độ trên 15°C, đối với diện tích rau đã bị thiệt hại nặng không thể hồi phục do rét, sương muối, nếu còn thời vụ thực hiện giao lại bằng nguồn hạt giống rau dự phòng; diện tích rau thiệt hại nhẹ có khả năng phục hồi, cần hướng dẫn nông dân không bón đạm đơn, bón phân NPK, phân hữu cơ, phân bón lá, các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng, ... theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng khả năng phục hồi cho cây; chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây rau màu vụ Đông 2020 đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về sản xuất lúa vụ Xuân 2021, đối với mạ đã gieo cần thực hiện che phủ kín cho 100 % diện tích mạ, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Đối với mạ dược non bảo đảm giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước săm sắp mặt ruộng; đối với mạ dược đã lên xanh tốt cần đưa nước vào ngập 1/3-1/2 cây mạ; đối với mạ sân cần tưới ẩm, tuyệt đối không để mạ bị khô hạn, chuẩn bị đủ hạt giống lúa dự phòng có thời gian sinh trưởng cực ngắn để sẵn sàng gieo bổ sung cho những diện tích mạ bị chết rét, thực hiện gieo mạ, chăm sóc mạ và lúa Xuân 2021 theo hướng dẫn tại văn bản số 353/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội.

Với cây công nghiệp, cây ăn quả, các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ giốc giữ ấm cho cây. Thực thiện việc bao tản cho cây bằng túi nilon, nhằm ngăn chặn sương muối và giữ ẩm cho toàn bộ tán lá cây. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống dự phòng để trồng giặm đối với những diện tích bị chết; cây đang trong thời kỳ kinh doanh khi vào mùa Đông cần tiến hành tủ gốc bằng tàn dư thực vật, chất hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để giữ ấm, giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Khi có dự báo sương muối, rét đậm, rét hại những nơi có điều kiện tiên hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây để giảm tác hại của rét đậm, rét hại. Tiến hành phân loại đánh giá tình trạng thiệt hại đối với từng vườn, từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục phù hợp, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại đề xuất chính sách hỗ trợ theo quy định...

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, Hà Nội cần thành lập tổ công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện của UBND các xã, phường, thị trấn trong việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét của các cơ sở, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng những nơi có nguy cơ cao và đã để xảy ra vật nuôi bị ảnh hưởng do đói, rét trong những năm trước đây.

Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi.

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi. Bên cạnh đó, tổ chức trồng cỏ, ngô dày, ngô sinh khối, chế biến, dự trữ cỏ khô, cây ngô, cây sắn, thức ăn ủ chua đảm bảo thức ăn xơ cho vật nuôi trong mùa Đông. Gia cố chuồng trại, dùng bạt dứa, tấm nilon lớn hoặc các loại vật liệu khác để che chắn kín chuồng trại, hạn chế gió lùa; nếu nhiệt độ trong ngày dưới 13 độ C không chăn thả trâu, bò.

Ông Nguễn Huy Đăng đề nghị, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Phối hợp với phòng, ban chuyên môn các huyện, thị xã UBND các xã, phường, thị trấn, các cơ sở chăn nuôi thực hiện mô hình áp dụng các biện pháp chống rét cho vật nuôi.

Thiện Tâm

Top