Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai

02/06/2020 5:34 PM

(Chinhphu.vn) - Trong mùa mưa bão năm 2019, trước tình hình thiên tai, sự cố diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, trên địa bàn TP. Hà Nội, công tác phòng, chống ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản so với năm 2018.

Đê Tả Bùi, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ được nâng cấp và đưa vào sử dụng năm 2019. Ảnh: Thiện Tâm.

Mới đây Sở NN&PTNT đã đưa ra báo cáo tổng kết về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện công tác phòng chống UBND Thành phố, Ban chỉ huy Thành phố đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, xây dựng và phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra.

Các doanh nghiệp thủy lợi cũng tập trung tu sửa máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng. Đầu tư tu sửa các công trình thủy lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông nội đồng. 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai năm 2019. Về cơ bản các quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với sự tham gia của 64.948 người; nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; có sự tham gia của lực lượng khác như đoàn thanh niên, lao động nông nhàn có sức khỏe, biết bơi.

Bên cạnh đó, từ đầu mùa lũ Ban chỉ huy Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức kiểm kê vật tư dự trữ tại các điểm, kho bãi vật tư trên các tuyến đê thuộc Thành phố quản lý, qua đó xác định số lượng, chất lượng vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, mua bổ sung vật tư dự trữ. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ngành Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư… trên các điếm canh đê trên địa bàn theo quy định.

Ban chỉ huy Thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân.

Ngoài ra, hệ thống đê điều, thủy lợi thành phố được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện với nhiều hạng mục như duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi, với tổng mức đầu tư 758,772 tỷ đồng gồm: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm; nạo vét, tu bổ hệ thống kênh tưới, tiêu kinh phí, cống tưới… Đồng thời UBND Thành phố cho phép triển khai thực hiện 41 dự án xử lý cấp bách, trong đó 28 dự án đang triển khai thi công, 13 dự án đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt phương án xử lý cấp bách.

Tại Việt Nam, năm 2019 thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng vẫn mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền của cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Trong đó có 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 với 8 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới. Số đợt thiên tai dù diễn ra ít hơn năm 2018 nhưng vẫn gây thiệt hại lớn về kinh tế, ước khoảng 7 nghìn tỷ đồng, làm 133 người chết và mất tích (giảm 40% so với năm 2018). Tuy nhiên, năm 2019 vẫn là một năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiện Tâm

Top