Chủ tịch TP. Hà Nội giải đáp nhiều vấn đề cử tri quan tâm

15/11/2019 7:22 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đại biểu HĐND thành phố (Tổ đại biểu số 2) đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11- HĐND TP. Hà Nội khóa XV tại quận Hoàn Kiếm.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thùy Linh

Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu HĐND Thành phố đã báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ mười một, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Thành phố và trả lời một số kiến nghị của cử tri.

Báo cáo trước cử tri, các đại biểu HĐND Thành phố cho biết, kỳ họp thứ11 dự kiến diễn ra từ ngày 3-6/12. Tại kỳ họp, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo quan trọng, trong đó có báo cáo về kết quả và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tình hình thực hiện ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2020-2022 và một số báo cáo chuyên đề khác. HĐND Thành phố cũng sẽ xem xét, thông qua một số nghị quyết quan trọng.

Cử tri quận Hoàn Kiếm đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong 10 tháng qua. Đồng thời nêu ý kiến phản ánh về những vấn đề “nóng”, những vấn đề dân sinh bức xúc về trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường; tình trạng ùn tắc giao thông;…Đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc sắp xếp lại tổ dân phố.

Đại diện cho các cử tri phường Tràng Tiền, cử tri Trần Ngọc Toán cho rằng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy hành chính nhà nước được nhân dân rất đồng thuận, đặc biệt là chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố mà Hà Nội đang triển khai, tuy nhiên, cán bộ tổ dân phố hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu nên khi sáp nhập thì một người phải phụ trách nhiệm vụ lớn hơn, bất cập về sức khỏe, thời gian, công việc gia đình,…Do đó, cử tri kiến nghị mỗi tổ dân phố nên giữ nguyên cơ cấu có bí thư chi bộ, trưởng ban mặt trận, tổ trưởng và tổ phó dân phố.

Về vấn đề nước sạch, cử tri kiến nghị thành phố có giải pháp quyết liệt đảm bảo nước sạch và tăng cường quản lý đối với Nhà nước nước sạch sông Đà, Nhà máy nước mặt sông Đuống,…

Một số cử tri cũng nêu kiến nghị về một số dự án giao thông chậm tiến độ trên địa bàn Thủ đô. Cử tri Trịnh Thị Nhung, phường Hàng Đào băn khoăn các tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội tiến độ quá chậm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Cử tri kiến nghị, Thành phố sớm chỉ đạo để đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, đẩy nhanh tiến độ công trình đường bộ trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để góp phần hạn chế ách tắc giao thông và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư.

Đại diện cử tri cũng đề nghị Thành phố quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, cắt giảm việc sử dụng than tổ ong, điều chỉnh quy hoạch của Thành phố, không cấp phép xây dựng đối với nhà cao tầng trong nội đô, giãn dân phố cổ...

Sau khi lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cac cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung trân trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của cử tri, đồng thời đã giải đáp một số nội dung cụ thể mà cử tri quan tâm, kiến nghị.

Ảnh: Thùy Linh

Về việc sáp nhập tổ dân phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, khó khăn là nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ không bảo đảm với số lượng đông, ngoài ra cán bộ tổ dân phố hầu hết đều là cán bộ hưu trí nên thực tế sẽ gặp khó khăn, vì vậy kiến nghị của cử tri về giữ 4 vị trí cán bộ tổ dân phố như hiện nay là xác đáng và việc này sẽ được tiếp thu để báo cáo Thường trực Thành ủy, trên cơ sở tạo mọi thuận lợi nhất cho cán bộ cơ sở.

Về vấn đề giao thông, Thành phố đã rất nỗ lực giải quyết điểm đen, trong năm 2019 đã giải quyết được 53 điểm đen về giao thông, đồng thời thành phố đang xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh, qua đó sẽ theo dõi được giám sát toàn bộ xe buýt, taxi và phấn đấu đưa trung tâm này đi vào hoạt động năm 2020.

Về sự cố nước sạch nhiễm dầu thải, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an tỉnh Hòa Bình cho thấy, không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch sông Đà.

Sự cố nước sạch nhiễm dầu thải là sự việc đáng tiếc. Qua sự việc này, Hà Nội cũng rút kinh nghiệm để phối hợp tốt hơn giữa đơn vị liên quan của TP Hà Nội với tỉnh Hòa Bình trong việc giám sát nhà máy nước sạch sông Đà.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần nước sạch sông Đà lắp hệ thống cảm biến để sớm phát hiện những vấn đề xảy ra với nguồn nước. Công ty này đã cam kết 3 tháng nữa sẽ lắp xong. Song song với đó, hàng ngày, hàng tuần các cơ quan chức năng (Sở Y tế, nhà máy) vẫn lấy mẫu nước xét nghiệm theo đúng quy trình.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, Thành phố rất chú trọng tăng cường quản lý đối với các Nhà máy cấp nước sạch trên địa bàn thành phố, trong đó có Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước sạch sông Đà, trong năm qua đã giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 28% xuống còn 15%, nhờ đó giảm giá thành nước sạch.

Thành phố cũng lựa chọn những đơn vị có năng lực để triển khai dự án nước sạch vào thành phố để đảm bảo chất lượng nước, hiện nay, cùng với hai nhà máy nước sông Đà và sông Đuống còn có Nhà máy nước Hà Nam cung cấp nước sạch cho khu vực Phú Xuyên, Thường Tín; Nhà máy nước An Bình từ Thái Nguyên cung cấp nước sạch cho khu vực Sóc Sơn,…

Thùy Linh

Top