Chú trọng đầu tư hạ tầng cho xe buýt

02/12/2019 5:33 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia cho rằng, khi quy hoạch xây dựng một khu đô thị, khu dân cư, Hà Nội phải đồng thời tính đến sự hiện diện tất yếu của xe buýt. Hạ tầng khu vực đó phải tối ưu cho vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), có làn đường riêng, vị trí xây dựng nhà chờ, điểm đỗ…

Ảnh: Diệu Anh

Thời gian qua, TP. Hà Nội có nhiều chính sách ưu tiên phát triển các phương thức vận tải hành khách công cộng coi đây là giải pháp hữu hiệu để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe buýt nhờ tính linh hoạt, chi phí đầu tư hợp lý, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được lựa chọn là loại hình VTHKCC chủ lực, tập trung đầu tư phát triển và đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Đến nay, mạng lưới xe buýt tại Hà Nội có 127 tuyến, trong đó có 103 tuyến trợ giá; đoàn phương tiện gồm 1.958 xe. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô và kết nối các tỉnh lân cận, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm bớt lưu lượng phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô.

Tuy có chuyển biến rõ nét so với trước đây, nhưng hoạt động của xe buýt còn nhiều bất cập, hạ tầng cho xe buýt còn nhiều hạn chế. Một trong những bất cập đã được các chuyên gia nói đến rất nhiều là mạng lưới xe buýt luôn đi sau quy hoạch đô thị. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Hiện cứ hình thành các khu dân cư ở đâu thì bổ sung hệ thống xe buýt đến đấy. Như vậy rất khó để xe buýt có thể khớp nối hạ tầng, tối ưu lộ trình và phương tiện”.

Khi quy hoạch xây dựng một khu đô thị, khu dân cư, Hà Nội phải đồng thời tính đến sự hiện diện tất yếu của xe buýt. Hạ tầng khu vực đó phải tối ưu cho VTCC, có làn đường riêng, vị trí xây dựng nhà chờ, điểm đỗ… Số lượng xe buýt bình quân trên dân số phải được tính toán chính xác; loại hình xe buýt cũng cần được lựa chọn sớm. Như vậy, khi hình thành các khu dân cư, xe buýt có thể đi vào vận hành, đáp ứng ngay nhu cầu đi lại của người dân.

Để xe buýt Hà Nội phát huy hiệu quả thì cần nhiều nhân tố cốt lõi như: Chiến lược và quy hoạch rõ ràng; hạ tầng dành riêng; nguồn nhân sự chuyên nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Đề xuất giải pháp phát triển quanh vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật nhận định, Thành phố cần có chính sách ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng xe buýt. Trong đó nên sớm có chính sách về làn đường ưu tiên cho xe buýt bởi tốc độ di chuyển và thời gian là yếu tố tiên quyết hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.

Về yếu tố chiến lược bền vững, Thành phố cần ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển xe buýt. Xây dựng chính sách quản lý, khai thác điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ xe buýt. Đưa yêu cầu về bố trí điểm dừng, chuyển tiếp phương tiện vận tải công cộng vào tiêu chí để phê duyệt các dự án xây dựng đô thị, chung cư, chợ, trường, bệnh viện, công viên… coi đây là hạng mục bắt buộc.

Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ VTHKCC, cùng với việc mở thêm các tuyến xe buýt, điều chỉnh luồng tuyến cho phù hợp và tăng cường kết nối các loại hình vận tải để thuận tiện hơn cho hành khách, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công - tư. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng 600 nhà chờ xe buýt, trong đó, lắp đặt mới 235 nhà chờ, thay thế 365 nhà chờ hiện có; lắp 25 màn hình cảm ứng và phát wifi kết nối internet tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp để phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo. Hệ thống nhà chờ được xây dựng theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.

Diệu Anh

Top