Chú trọng phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân

07/02/2020 2:30 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển doanh nghiệp tư nhân...

Ảnh minh họa

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 200.000 hộ gia đình kinh doanh. Thực tế, đã có không ít hộ gia đình chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp và gặt hái thành công; nhưng cũng còn nhiều hộ chưa sẵn sàng, thậm chí e ngại chuyển thành doanh nghiệp.

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, kết quả vận động hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp còn hạn chế do một số nguyên nhân. Đó là, tâm lý e ngại về thủ tục, sợ gặp phiền hà trong quá trình hoàn thiện hồ sơ; chưa nắm hết thông tin quy định cần thiết; đặc biệt là sợ phải chi phí nhiều hơn khi trở thành doanh nghiệp. Về phía cơ quan chức năng cũng còn một số bất cập trong theo dõi, nắm tình hình, áp dụng nghiệp vụ quản lý đối với các hộ kinh doanh, cơ chế trao đổi thông tin... chưa hiệu quả, chính xác nên ảnh hưởng đến kết quả chung.

Đặc biệt, dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực một năm, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung liên quan đến ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, gây lúng túng cho công tác tuyên truyền, giải thích với các cá nhân, hộ kinh doanh.

Trên thực tế, mỗi năm Hà Nội có thêm từ 25.000 đến 26.000 doanh nghiệp thành lập mới; nhưng trong đó số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp rất ít. Kết quả chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2020.

Để khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thu nhập...

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 367/UBND-KT về việc triển khai kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch các quận, huyện, thị xã, hiệp hội doanh nghiệp tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng về phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục triển khai các văn bản của thành phố, như: Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn; đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội, định hướng đến năm 2021; tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển doanh nghiệp tư nhân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tại địa phương. Đặc biệt, Thành phố giao Sở Nội vụ nghiên cứu và đề xuất phương án thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện giai đoạn 2021-2025.                

  Diệu Anh

Top