Chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu

03/09/2019 11:02 AM

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm nâng cao năng suất lao động.

Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu. Ảnh: Bích Phương

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, những tháng đầu năm 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 7,14%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 10,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,9%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 5,4% so với cùng kỳ…

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đánh giá, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều điều phải lưu tâm khi ngành công nghiệp chưa có những phát triển đột biến thì một số nhà máy lớn lại di dời khỏi địa bàn Hà Nội hoặc cắt giảm sản xuất... Bên cạnh đó, do khó khăn của thị trường, nên các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư xây dựng mới. Tình hình thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn...

Về tình hình doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện Thành phố có gần 300.000 doanh nghiệp, nhưng trong đó, các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 97%. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối diện với hàng loạt cạnh tranh lớn như cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ, nhân lực, tính chuyên nghiệp, quy mô sản xuất, thông tin thị trường, công nghệ, năng lực quản trị... Do đó, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền thành phố để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Về thủ tục hành chính (TTHC), nhiều doanh nghiệp kiến nghị Thành phố nên tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách TTHC trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là nguồn đóng góp ngân sách cho Thành phố. Đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các Sở ngành chuyên ngành và quận, huyện trong các lĩnh vực thuộc TTHC...

Chủ động “gỡ” khó cho doanh nghiệp

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương thành phố đã tham mưu, trình UBND thành phố ban hành danh mục TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực ATTP; thực hiện rà soát 100% các quy trình giải quyết các TTHC để cắt giảm những thủ tục không cần thiết.

Ðồng thời, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai quảng bá, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai việc xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Năm 2018, TP Hà Nội là một trong số 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Ðây là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp với những đổi mới, cải cách của Thành phố.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần hoàn thành và vượt các chỉ tiêu phát triển đã đề ra.

Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển công nghiệp, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thu hút đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn Thành phố; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các KCN, CCN tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất làm cơ sở thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phâm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại vào năm 2019 tại Hà Nội...

Bích Phương

Top