Chú trọng phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất
(Chinhphu.vn) - Những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn còn nhiều hạn chế; tình trạng lơ là, chủ quan vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là tại các cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ có nhà xưởng tạm bợ.
![]() |
Tăng cường kiểm tra phòng chống cháy nổ tại các cơ sở - Ảnh minh họa |
Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã xảy ra 406 vụ cháy (4 vụ cháy lớn) khiến 42 người thương vong, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 192 tỷ đồng. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy khiến 8 người tử vong tại xưởng sản xuất trong ngõ Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vào ngày 12/4/2019 hay vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Ðông (quận Thanh Xuân) vào ngày 28/8, vụ cháy chợ Tó (huyện Ðông Anh) vào ngày 23/9... gây thiệt hại rất lớn về tài sản.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV01 về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư trên địa bàn Thành phố. Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua, công an các quận, huyện, thị xã đã mở nhiều đợt kiểm tra và liên tục phát hiện sai phạm.
Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9/2019, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra 7.108 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp, qua đó phát hiện và đề nghị các cơ sở khắc phục 13.633 tồn tại, thiếu sót; xử phạt 4.242 lỗi vi phạm với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng; yêu cầu 342 cơ sở dừng hoạt động, tạm đình chỉ 204 lượt cơ sở, đình chỉ 35 lượt cơ sở...
Đáng chú ý là qua tổng kiểm tra đã phát hiện 1.638 cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất tự phát trên đất nông nghiệp hoặc đất chờ phục vụ cho mục đích khác thường có nhà xưởng manh mún, tạm bợ, dễ xảy ra cháy, nổ nhưng không được chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý triệt để.
Cùng với đó, Công an Thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra theo các chuyên đề đối với chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu, hóa chất, khu công nghiệp, chế xuất… Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã hướng dẫn các cơ sở khắc phục các hạn chế trong công tác PCCC, lập biên bản xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động đối với một số cơ sở cố tình vi phạm, chây ỳ khắc phục vi phạm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải cho biết, Hà Nội hiện có khoảng hơn 3.800 cơ sở sản xuất đang hoạt động trong 70 cụm công nghiệp trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã. Trong đó chỉ có 4/70 cụm công nghiệp được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với hạ tầng kỹ thuật. Nhiều cơ sở đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên không còn bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Từ thực trạng trên, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt chẽ các dự án khu, cụm công nghiệp đang xây dựng để đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng quy chế quản lý, trong đó có các nội dung về phòng cháy, chữa cháy.
Ðể hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy nổ, nhất là trong thời điểm thời tiết hanh khô như hiện nay, UBND Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC; hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC chuyên ngành, chuyên trách, bán chuyên trách. Rà soát, khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm quy định về PCCC, trong đó tập trung trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ...
Diệu Anh