Chung sức, đồng lòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế

09/10/2021 7:53 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), sau 4 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội đã có có gần 20 ngày nới lỏng, thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố là tiền đề để Thủ đô triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021.

Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu một số bài viết về sự chung sức, đồng lòng của nhân dân Thủ đô; sự quyết tâm lao động, sản xuất của người lao động; sự phấn khởi, tin tưởng của người dân vào những quyết sách của Trung ương, của TP. Hà Nội… để bảo vệ vững chắc thành quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bài 1: Dựa vào dân, huy động sức dân, quyết tâm giữ thành quả chống dịch

Hà Nội đang trong những ngày mùa Thu đẹp nhất trong năm, năm nay, Kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), Hà Nội vẫn trong những ngày đặc biệt khi Thành phố đang dần nới lỏng, từng bước, thận trọng đưa cuộc sống về trạng thái “bình thường mới”. Thành phố đang thích ứng an toàn, linh hoạt và không mất cảnh giác để bảo vệ tốt nhất thành quả, nỗ lực chống dịch trong thời gian qua.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19 tại quận Bắc Từ Liêm tháng 9/2021. Ảnh VGP

Cách đây tròn 67 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Chặng đường 67 năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội tự hào cùng cả nước đã xây dựng và phát triển Thủ đô từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, là hình ảnh thân yêu trong lòng mỗi người dân và bạn bè quốc tế.

Mỗi dịp tháng Mười lịch sử, người dân Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng trong không khí của dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Mùa Thu năm nay, tinh thần ấy phấn khởi hơn những năm trước khi Thủ đô vừa trải qua 4 đợt giãn cách xã hội liên tiếp theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ 6h00 ngày 24/7 đến 6h00 ngày 21/9). Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội chuyển sang Chỉ thị 15/CT-TTg và áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 15 để tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19; Thành phố đã cho phép nhiều dịch vụ hoạt động trở lại để phục vụ đời sống người dân.

Trong các đợt dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn Thủ đô từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021), tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội là xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trên hết và trước hết; giữ vững an toàn cho Thủ đô, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Người dân Thủ đô Hà Nội trong dịp kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021). Ảnh Gia Huy

Lấy sức mạnh nhân dân để đẩy lùi COVID-19

Hà Nội hiện có gần 10 triệu người dân sinh sống, với vai trò là trung tâm chính trị-hành chính, đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, mỗi đợt dịch COVID-19 bùng phát, Thành phố luôn xác định có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu; Đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Từ giữa tháng 7/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh, Thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24/7.

Đợt giãn cách lần 1 (từ ngày 24/7 - 7/8), Hà Nội ghi nhận 1.068 ca mắc, trung bình 71,2 ca/ngày; trong đó có 525 ca tại cộng đồng. Đến đợt giãn cách thứ 4 (từ ngày 7-20/9), số ca bệnh và số ca mắc trong cộng đồng đã giảm mạnh khi ghi nhận 353 ca mắc, trung bình 27,7 ca/ngày; trong đó có 32 ca bệnh tại cộng đồng.

Những con số này nói lên sự chủ động, nỗ lực của Thủ đô trong quá trình chống dịch. Từ kinh nghiệm của năm 2020, ở đợt dịch thứ tư, Hà Nội đã chuyển sang trạng thái chủ động phòng, chống dịch bằng những cách làm sáng tạo. Đó là, kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao; khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp; thiết lập các “vùng xanh” tại mỗi tổ dân phố, mỗi thôn xóm, khu chung cư… để an toàn với COVID-19; thành lập các tổ tự quản tại cộng đồng với sự tham gia của các lực lượng tại chỗ… Cùng với “2 mũi chủ công” là tiêm vaccine và xét nghiệm diện rộng, cùng sự trợ giúp của các tỉnh, thành phía Bắc, đến nay Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được dịch, bệnh COVID-19.

Ngay sau đợt giãn cách thứ nhất, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, các lực lượng tuyến đầu với nòng cốt là công an, quân đội, y tế, cán bộ các cấp, các tổ COVID-19 cộng đồng... không quản vất vả ngày đêm, luôn vững vàng, bền bỉ trên “phòng tuyến” chống dịch, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. “Bài học kinh nghiệm của chúng ta là phải luôn đi trước một bước. Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân thì công tác chuẩn bị càng phải chủ động với những kịch bản ở mức độ cao hơn”, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, kinh nghiệm của Hà Nội chính là bài học về huy động sức dân. Cấp uỷ, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở phải lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ COVID-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia chống dịch. Nhờ đó, người dân không chỉ phát huy tinh thần tự giác thực hiện, mà còn trực tiếp tổ chức, tham gia giám sát phòng, chống dịch, thiết lập hàng trăm tổ tự quản, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia vào hơn 4.500 tổ COVID-19 cộng đồng, tham gia trực, quản lý hàng nghìn chốt kiểm soát dịch ở địa bàn dân cư.

“Người dân Thủ đô thực sự đang là chủ thể trong cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.

Cũng trong thời điểm giãn cách xã hội, trao đổi với báo chí hằng tuần, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng luôn khẳng định, mặc dù đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng với nỗ lực kiên cường của các lực lượng tuyến đầu và niềm tin, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đại dịch COVID-19.

Khi Hà Nội đã chuyển sang thực thiện Chỉ thị 15 sau 4 đợt giãn cách xã hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, bài học kinh nghiệm giúp Hà Nội khống chế dịch thành công, không để bùng phát mạnh trong gần 5 tháng qua là dựa vào dân, huy động được sức dân tham gia chống dịch. Người dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô. Bên cạnh vai trò nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, việc thành phố có thể nới lỏng các hoạt động như hiện nay chính là thành quả, là công sức đóng góp của Nhân dân.

Đây là kết quả chung nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, không chỉ lãnh đạo thành phố mà mọi người dân đều xúc động, tự hào về cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, các bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế... ngời sáng trên các điểm chốt, khu cách ly. Những chiến sĩ Công an nhân dân không quản nắng, mưa thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Các y, bác sĩ, điều dưỡng thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” phụng sự nhân dân. Các đồng chí cán bộ cơ sở, dân quân tự vệ, đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên... trở thành nguồn cảm hứng về một Hà Nội kiên cường, đoàn kết.

Người dân Thủ đô tại khu vực hồ Hoàn Kiếm trong cuộc sống “bình thường mới”. Ảnh Gia Huy

Thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh

Ngày đầu tiên khi Hà Nội kết thúc đợt giãn cách thứ 4 (21/9), chuyển sang thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân Thủ đô bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi khi nhiều hoạt động được nới lỏng, không còn giấy đi đường, không còn đi chợ theo phiếu, nhiều dịch vụ được mở trở lại… Niềm vui của người dân là sự khích lệ với chính quyền Thành phố, tin tưởng Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh, tiến dần đến trạng thái “bình thường mới”.

Theo Chủ tịch phường Quảng An (quận Tây Hồ) Phạm Thế Vinh, người dân trên địa bàn phường rất ý thức trong công tác phòng, chống dịch, không có hiện tượng lơ là, chủ quan trước chủ trương nới lỏng, giãn cách của Trung ương, Thành phố. Phường đã đề nghị các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không được chủ quan, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi mở cửa hoạt động kinh danh trở lại phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch.

Ở trang thái “bình thường mới” hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt; chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, bởi nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn còn, chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất.

Thận trọng, từng bước nới lỏng là điều Hà Nội đang thực hiện, tại cuộc họp giao ban UBND TP. Hà Nội quý III/2021 diễn ra ngày 1/10, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, việc nới lỏng, tiến tới trạng thái thích ứng an toàn, hiệu quả cũng đặt ra rất nhiều thách thức, nguy cơ vẫn tiểm ẩn. Nguy cơ dịch bệnh vẫn không hề nhỏ, vì vậy không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu phải quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch; tuyệt đối không được có tâm lý thỏa mãn, coi nhẹ dịch bệnh khi có dấu hiệu lắng xuống; luôn giữ tinh thần quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh trong mọi tình huống; thường xuyên giao ban, rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để có giải pháp tốt hơn; phải đặt mục tiêu an toàn là trên hết; tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước.

Ba nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt Hà Nội đặt ra để tăng tốc, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện cao nhất các mục tiêu của năm 2021 là: (1) tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; (2) điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; (3) đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Gia Huy

* Bài 2: Giữ vững "vùng xanh" để khôi phục, phát triển kinh tế

Top