Chung tay, chung sức phòng chống dịch tả lợn châu Phi

13/05/2019 2:51 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

* Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

* Thực hiện 5 “không” để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Đối phó nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tả lợn

* Thành lập 5 tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

* Ngăn chặn hành vi buôn bán gia súc, gia cầm nhiễm dịch

* Hà Nội: Tăng cường chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ

* Triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch tả lợn châu Phi - Ảnh: Thiện Tâm

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố.

Phía đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cùng đại diện một số sở, ngành tham dự.

Hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cho biết, con đường lây truyền vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học chưa tốt tại nhiều địa phương. Ngoài ra, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; việc sử dụng sản phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến…

Chính vì vậy, dù đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhưng tính đến cuối ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, với tổng số lợn bệnh phải tiêu huỷ là trên 1,22 triệu con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước).

Riêng tại Hà Nội, trên 6.103 hộ chăn nuôi thuộc 318 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã đã phát hiện dịch tả lợn. Khoảng 100.000 con lợn (chiếm trên 5,6% tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố) đã bị tiêu huỷ do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bệnh dịch tả lợn châu Phi là chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi, đáng lo ngại là hiện nay chưa có vắc xin. Mặc dù đã có cố gắng, nhưng dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng. Nếu không làm tốt, bệnh sẽ tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các Bộ ngành, địa phương trong ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua. Nhưng theo đánh giá thực tế hiện nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khả năng tái bệnh và lây lan còn rất cao, nhất là trong khi nhiều địa phương đã rất tích cực, nhưng một số địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí là coi nhẹ công tác phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bộ phận người chăn nuôi vứt lợn bị chết ra ao hồ sông ngòi mà báo chí, mạng xã hội phản ánh gần đây.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các địa phương có liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cần xác định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các Bộ cần phối hợp hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc tập trung các giải pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Đối với các địa phương có bệnh dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu cần chủ động phát hiện sớm, báo cáo và công bố dịch bệnh theo đúng quy định; huy động lực lượng để tổ chức tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ; xem xét thành lập các trạm chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch lây lan. Đồng thời phải siết chặt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ; thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các nơi có dịch để kiểm tra, kiểm soát dịch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành tiếp các văn bản để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch, bảo đảm vừa phòng chống dịch nhưng vẫn ổn định hàng hoá lưu thông, phân phối. Đặc biệt, hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia nhằm kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên tinh thần cấp bách

Riêng Hà Nội, tại Hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, hiện Hà Nội có tổng đàn lợn trên 1,9 triệu con, lớn thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Đồng Nai). Chính vì vậy, không phải từ tháng 2/2019 - thời điểm bệnh dịch tả lợn thâm nhập vào Việt Nam, mà ngay từ tháng 8, 9/2018, TP Hà Nội đã tích cực chỉ đạo công tác ứng phó trên tinh thần “cấp bách” và toàn bộ hệ thống chính trị thành phố đã chủ động, tích cực vào cuộc, nhưng do nhiều nguyên nhân nên tháng 3/2019, dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Đến nay, toàn TP đã có 6.103 hộ chăn nuôi thuộc 318 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã đã phát hiện dịch tả lợn. Trên 100.000 con lợn (chiếm trên 5,6% tổng đàn lợn trên địa bàn TP) đã bị tiêu huỷ do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đối với số lợn bị tiêu huỷ, Hà Nội đã triển khai thực hiện mức giá hỗ trợ cho người chăn nuôi là 38.000 đồng/kg.

Đánh giá về tình hình phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, trong công tác ứng phó hiện nay vẫn còn một số bất cập như chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn hiện còn thấp. Trong khi lao động tự do hiện nay còn được trả 250.000 - 300.000 đồng/ngày công, trong khi cán bộ làm công tác phòng chống dịch chỉ được trả 100.000 đồng/ngày thì không đảm bảo…”.

Bên cạnh đó, việc chưa có quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp chăn nuôi lợn là rất đáng lo vì những doanh nghiệp này bị dịch mà không được hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Để phòng chống dịch hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu cho biết Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên tinh thần cấp bách. Trong đó sẽ chủ động phát triển đàn gia súc, gia cầm để ứng phó với tình trạng thiếu hụt thịt lợn.

Sau khi nghe ý kiến của Phó Chủ tịch Thương trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương công tác ứng phó dịch chủ động, tích cực của Hà Nội. Bộ trưởng hoàn toàn đồng tình với một số đề xuất của Hà Nội. Theo đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ ngày công cho cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi và các doanh nghiệp chăn nuôi.

Thiện Tâm

Top