Cơ cấu nông nghiệp: Tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị cao

09/01/2020 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Trong năm qua, cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục được thực hiện theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn; tăng tỷ trọng sản phẩm có lợi thế và giá trị cao, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ngày 9/1, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong năm 2019, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Thành phố đã có chuyển biển tích cực. Các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất như: Lúa chất lượng cao, hoa, cây ăn quả, bò BBB,.. Bên cạnh đó, nhiều vùng trước đây sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. 

Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đưa các cây trồng chất lượng cao vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 53% tổng diện tích tăng 2,2% so với cùng kỳ; hoa cây cảnh, cây ăn quả đặc sản tiếp tục được mở rộng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao và nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng; thu nhập và đời sống của nhân dân ngày một cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn ngày được củng cố. 

Năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản được nâng cao do ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (sử dụng cây trồng, con giống chất lượng cao, hệ thống tự động hóa trong nhà lưới, nhà kính; hệ thống chuồng kín; nuôi trồng thủy sản theo mô hình thâm canh; sử dụng thức ăn vi sinh, sử dụng chế phẩm xử lý môi trường…).

Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kính doanh.

Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới đã vượt mục tiêu đề ra với 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra và có 3 xã tại huyện Đan Phượng đã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Đời sống người dân nông thôn được nâng cao.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp. 

Thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến năng suất lúa xuân, năng suất lúa xuân đạt 59 tạ/ha, giảm 2,5 tạ/ha so với vụ xuân 2018.

Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn Thành phố còn nhiều diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi lợn. Hiện tại vẫn còn 160 xã (chiếm 36%) dịch bệnh chưa qua 30 ngày.

Vấn đề vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua trong năm 2019.

Sang năm 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt hơn 3%. Theo đó ngành Nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; công nghệ cao để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản trên thị trường.

Thiện Tâm

Top