Cơ hội chuyển đổi cho ngành chăn nuôi

15/11/2019 6:07 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,9 triệu con. Thời gian qua, ngành chăn nuôi của Hà Nội bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tuy nhiên theo nhìn nhận của lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, đây là cơ hội để chuyển đổi phương thức sản xuất cho ngành chăn nuôi.

Dây chuyền sản xuất khép kín và tiệt trùng của MeatDeli - Ảnh: Nguyễn Dũng

Thị trường còn nhiều điểm nghẽn

Theo nhận định của đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn vừa qua không phải do thiếu nguồn cung, bởi so với thời điểm khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đến nay mới chỉ thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn lợn, với 5,8 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy, tương đương với 3,8 triệu tấn thịt lợn.

Giá lợn hơi cả nước hiện nay dao động từ 58-65 nghìn/kg lợn hơi mà vấn đề ở đây là do khâu lưu thông và thông tin về giá thịt lợn. Cụ thể, do thông tin chưa rõ ràng về nguồn cung chăn nuôi lợn tại từng địa phương nên gây tâm lý hoang mang dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giật càng đẩy giá lên cao. Cùng với đó là các hộ chăn nuôi lớn, vì ký kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể thu mua, đành phải mua ở các hộ nhỏ lẻ giá cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương (quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi) phân tích, cũng chính vì diễn biến phức tạp của giá lợn trong nước và dự báo tăng cao, mặc dù lợn đã đạt trọng lượng, nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quyết giữ để chờ thêm giá dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

“Trước kia các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn nên không tiếp cận nguồn cung thịt lợn. Nguồn cung lợn chính bây giờ là ở các trang trại lớn, các công ty, hộ chăn nuôi lớn mà các hộ này thường bán theo xe, số lượng lớn. Thương lái không tiếp cận được nguồn đó thì bao nhiêu cũng phải mua. Ở chiều ngược lại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại có tâm lý găm hàng, nếu bán thì bán giá rất cao. Trong khi đó thông tin báo chí đề cập đến giá cao cá biệt nên vô hình chung đã tạo hiệu ứng tăng đột biến”, ông Dương nhìn nhận.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Giá thịt lợn biến động, nguyên nhân một phần là do phương thức sản xuất còn bất cập, người tiêu dùng có thói quen đi mua chọn người bán chứ không để ý nhiều đến chất lượng. Nếu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thì không có sự tư lợi ở các khâu lưu thông”.

Ông Tường lấy dẫn chứng: “Đơn cử như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P, Masan, họ sản xuất theo nhu cầu người tiêu dùng, chuỗi sản xuất của họ phủ hết thị trường nên giải quyết triệt để vấn đề bấp bênh giá cả. Nếu sản xuất tốt theo chuỗi sẽ giải quyết tốt vấn đề dịch bệnh, giá cả”.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho rằng, thực tế, chất lượng của thịt mát rất tốt, đáp ứng nhu cầu đại chúng. Vì thế, chúng ta cần phát triển những chuỗi giá trị như thế này, hướng đến một ngành chăn nuôi hiện đại.

Thay đổi phương thức sản xuất

Theo lãnh đạo Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT), 1 năm trước đây, việc tuyên truyền để người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn khá khó khăn. Nhưng đến nay, hầu như người chăn nuôi nào cũng áp dụng các biện pháp an toàn sinh học rất thuần thục cho chuồng trại nhà mình. Đây là một bước chuyển biến rất lớn về thay đổi phương thức sản xuất qua phòng chống DTLCP.

Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp lớn cũng ý thức và thực hiện các quy trình sản xuất bài bản, quy củ để có thể ổn định chỗ đứng trên thị trường trong cơn “bão” DTLCP.

 

Chia sẻ về nguồn cung và diễn biến giá cả chuỗi thịt lợn MeatDeli trong thời gian qua, ông Phạm Quang Hiền, Giám đốc Hệ thống bán lẻ miền Bắc MeatDeli (Công ty Masan MEATLife) cho biết: “Masan là doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ chế biến thịt mát theo tiêu chuẩn của châu Âu. Chúng tôi mong muốn được cộng tác, đồng hành với người nông dân để cùng thực hiện chuỗi thịt lợn MeatDeli. Về tình hình phân phối từ tháng 3 đến giờ, Masan tổ chức được hơn 400 điểm bán tại các chợ và siêu thị”.

“Tới đây, Masan sẽ mở thêm các điểm bán hàng tại các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hải Dương… Hiện tại, nguồn đầu vào giá cả tăng, chúng tôi cũng điều chỉnh giá, tuy nhiên mức điều chỉnh rất ít”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp thêm thông tin: “Hiện nay Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cung cấp ra thị trường miền Bắc 3.500-4.000 con lợn mỗi ngày. Riêng thị trường Hà Nội, chiếm khoảng 20% cơ cấu bán hàng, sản lượng này chúng tôi vẫn phục vụ khách hàng thường xuyên, tương đương gần 300 khách hàng”.

Đại diện cho công ty chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam này cho biết: “Dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng này vì mối quan hệ lâu dài giữa C.P với các khách hàng của mình. Bên cạnh các hệ thống siêu thị, hiện C.P còn có hệ thống PotShop là nơi cung ứng thịt lợn sạch và số lượng thịt C.P cung cấp ra vẫn ổn định, giá cả tuy có biến động nhưng không nhiều và nếu khách hàng lựa chọn mua ở các siêu thị thì có thể hoàn toàn yên tâm là giá sẽ luôn luôn được bình ổn”.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang có chủ trương phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi, từ đó giúp người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

“Bên cạnh đó, chúng tôi có chủ trương phát triển chợ thương mại điện tử nông sản, doanh nghiệp tham gia tự công bố chất lượng công khai trên gian hàng. Viettel là đơn vị Hà Nội chọn để xây dựng hệ thống chợ điện tử, khi đó người tiêu dùng có thể tham gia mua trên chợ ảo. Hà Nội cũng sẽ tổ chức các gian hàng nông sản sạch, an toàn tại các khu dân cư, không gian công cộng để người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn”, ông Tường nhấn mạnh.

Nguyễn Dũng

Top