Có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật

03/07/2020 5:41 PM

(Chinhphu.vn) - Giúp người khuyết tật có việc làm ổn định là cách giảm nghèo bền vững nhất cho người khuyết tật. Để người khuyết tật có được việc làm liên quan đến rất nhiều vấn đề như vốn, chọn nghề và cả tiêu thụ sản phẩm.

Dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Ảnh trung tâm cung cấp

Đa số người khuyết tật thuộc hộ nghèo

Điều tra của các cơ quan Liên Hợp Quốc phối hợp với Tổng cục Thống kê và Tổng điều tra Dân số năm 2019 chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao. Chúng ta hiện nay có khoảng 7% dân số là người khuyết tật (khoảng 6 triệu người). Hơn 70% người khuyết tật sống ở nông thôn và phần lớn gia đình có người khuyết tật là những hộ nghèo và cận nghèo hoặc cũng là những hộ khó khăn.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, người khuyết tật tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là những rào cản của xã hội, nhất là về giao thông đi lại, giáo dục học hành. Điều này dẫn đến phần đông người khuyết tật sống dựa vào gia đình, người thân. Cũng đã có một bộ phận người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng, đi học nghề, kiếm việc làm, tự lo được cho mình và xu thế này ngày càng nhiều hơn.

Tại các cuộc đối thoại, tọa đàm của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, hầu hết người khuyết tật chia sẻ, họ rất muốn được vươn lên, muốn có cơ hội để được đi học đi làm, tự lo được cuộc sống cho mình và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, người khuyết tật có một quyết tâm, ý chí để khẳng định mình và thực tế thì với nhiều người khuyết tật khi có được sự trợ giúp nhất định thì họ đã chứng minh là làm được như người bình thường. Vì thế chúng ta không nên nhìn họ như đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội và cần nhìn nhận họ là một công dân có khiếm khuyết về cơ thể để đặt vấn đề một cách rất nghiêm túc, tạo cơ hội bình đẳng đối với họ.

Người khuyết tật khó tiếp cận nguồn vốn kinh doanh sản xuất

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Việt Nam có đầy đủ chính sách hỗ trợ người khuyết tật về tất cả các mặt như y tế, học tập, hỗ trợ học nghề, việc làm, tuy nhiên nhiều chính sách khi ban hành ra đi vào thực tế rất khó và người khuyết tật không tiếp cận được.

Liên quan đến vay vốn để sản xuất kinh doanh, đối với cá nhân người khuyết tật sống trong các gia đình ở nông thôn và thành thị, nếu không là diện nghèo thì không được vay vốn nếu như muốn tổ chức việc gì đó làm tại gia đình, cộng đồng. Nếu người khuyết tật nằm trong gia đình nghèo, bố mẹ là chủ hộ thì có thể vay theo gia đình, bản thân người khuyết tật thì không được đứng là chủ thể vay vốn. Thực tế, nhiều người khuyết tật đến tuổi trưởng thành muốn tự lập, muốn được vay vốn, chịu trách nhiệm với Nhà nước về khoản vay đó, tạo công ăn việc làm để tự nuôi sống mình. Trong khi đó, người khuyết tật sống trong gia đình khó khăn, mặc dù chưa đạt được tiêu chí hộ nghèo nhưng để có vốn cho con em người khuyết tật tự tạo việc làm thì nhiều gia đình không có. Đi xin việc ở các doanh nghiệp, tổ chức cũng không dễ dàng đối với họ.

Khi người khuyết tật là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh muốn vay vốn để hưởng các ưu đãi nhưng các điều kiện để được vay cũng không dễ. Thứ nhất, nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội là rất hạn hẹp. Chính phủ yêu cầu các địa phương phải dành ngân sách chuyển sang ủy nhiệm cho Ngân hàng chính sách để cho các đối tượng này vay vốn, nhưng nhiều địa phương có khó khăn về ngân sách nên cũng không ủy nhiệm được nhiều. Thứ hai, những ràng buộc về luận chứng sản xuất kinh doanh liên quan đến quy mô và điều kiện về thu nhận lao động đối với người khuyết tật để được vay vốn, nhiều cơ sở của người khuyết tật cũng không đáp ứng được. Nhiều cơ sở phản ánh không được hưởng vay vốn và gặp nhiều khó khăn.

“Đấy là những chính sách việc làm, hỗ trợ kinh doanh đối với người khuyết tật mà hiện nay chúng ta cần quan tâm. Năm 2018, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam có tổ chức một diễn đàn đối thoại chính sách đối với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật thì thấy rằng chỉ có rất ít người được hỏi là vay được vốn nhưng mà lại phải đứng tên bố mẹ hộ nghèo. Họ cũng không được hỗ trợ về mặt bằng nhà xưởng. Sau đó chúng tôi có tổng hợp ý kiến và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu và tiếp thu các đề xuất. Chúng tôi đề nghị bổ sung đối tượng là người khuyết tật ở trong gia đình không phải là hộ nghèo, nhưng mà họ muốn tự lập tạo việc làm được vay vốn như là với hộ gia đình nghèo. Kiến nghị này hiện vẫn đang được xem xét”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết

Một vấn đề nữa liên quan đến chính sách dạy nghề. Hiện nay, việc dạy nghề cho người khuyết tật vẫn yêu cầu là phải ở trong các cơ sở dạy nghề hoặc những đơn vị có chức năng dạy nghề. Qua theo dõi, việc dạy nghề qua các lớp chính quy thì người khuyết tật có nhiều người tham gia được, tuy nhiên học xong họ phải tự đi tìm việc thì rất khó.

Thực tế, với khiếm khuyết ở cơ thể, người khuyết tật mong muốn có hình thức kèm nghề một kèm một, hai người cùng làm với nhau, người biết chỉ cho người không biết để có cái nghề. Ông Đàm lấy ví dụ một người có nghề thêu, khi có người khuyết tật ở cộng đồng muốn học nghề, họ có thể tạo cơ hội cho người khuyết tật có thể cùng làm và bán sản phẩm. Để tạo điều kiện cho họ, ít nhất cũng cần hỗ trợ những chi phí như mua vật tư, nguyên liệu dạy nghề. Nhưng những nhóm như này chính sách lại không hỗ trợ được bởi họ không có chứng chỉ, giấy phép dạy nghề, không có chức năng dạy nghề.

Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo trợ trẻ mồ côi Việt Nam nhấn mạnh, việc làm là cách bền vững nhất cho người khuyết tật để có thể vươn lên thoát nghèo. Để cho họ có việc làm liên quan đến vấn đề vốn, nghề nghiệp rồi cả tiêu thụ sản phẩm, làm ra không bán được cũng không giải quyết được vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty May An Tuấn - công ty chuyên nhận may gia công các sản phẩm may mặc, đóng gói hàng xuất khẩu, có trụ sở tại xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cho biết: Công ty của ông thành lập năm 2008, tổng số người lao động hiện nay trong công ty là 122 người, trong đó 1/3 là người khuyết tật. Công việc của người khuyết tật trong công ty là may gia công và ngồi đóng gói sản phẩm. Mức lương trả cho họ từ 4,5-5,5 triệu đồng/tháng, có đóng bảo hiểm xã hội. Nhiều năm qua, công ty được Sở LĐTB&XH thành phố Hải Phòng và UBND huyện Vĩnh Bảo trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và hỗ trợ người khuyết tật. Bản thân ông Tuấn cũng là một người khuyết tật, bị mất một chân. “Công ty của tôi nhận người khuyết tật vào làm cũng là một cách để giúp họ có cuộc sống ổn định, sống bằng sức lao động của mình, không phải phụ thuộc ai, cũng là chung tay cùng địa phương san sẻ khó khăn với người yếu thế”, ông Tuấn chia sẻ.

Để tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, trước hết cần sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay vốn đối với người khuyết tật cho phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, chọn nghề, chọn nghiệp, chọn sản phẩm cũng phải quan tâm chứ không phải cứ đưa vốn xong là xong. Tư vấn, giới thiệu phải có những chương trình dành riêng cho người khuyết tật.

“Khi mà họ đã làm ra sản phẩm tốt thì cũng nên có chương trình kết nối, ví dụ như các cơ sở lớn thì có thể sản xuất, tiêu thụ phẩm, coi những cơ sở của người khuyết tật như là cơ sở vệ tinh để giao sản phẩm cho họ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng kinh doanh dịch vụ tạo diều kiện cho người khuyết tật”, ông Nguyễn Trọng Đàm nói.

Trước năm 2010, Pháp lệnh về người khuyết tật quy định doanh nghiệp phải tiếp nhận ít nhất tối thiểu 3% lao động là người khuyết tật, nếu không tiếp nhận số lượng như thế thì doanh nghiệp phải đóng một khoản tiền vào quỹ để nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật. Mặc dù quy định mạnh mẽ như vậy nhưng không thực hiện được cho nên đến Luật Người khuyết tật năm 2010 chuyển sang khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận từ 30% lao động là người khuyết tật trở lên sẽ được miễn thuế. Có lẽ chính sách này chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp không quan tâm vì nhận người khuyết tật vào năng suất nó hạn chế cũng như phải kèm theo nhu cầu đầu tư để tạo chỗ làm việc cho phù hợp.

Ông Nguyễn Trọng Đàm nói thêm, chính các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức đảng, đoàn thể cũng ít nhận người khuyết tật. Thi tuyển công chức chúng ta không có chính sách gì ưu tiên cho người khuyết tật. Nên nhìn nhận theo hướng nếu người khuyết tật đáp ứng được nhu cầu công việc thì cần ưu tiên hơn.

“Khi chúng ta tạo cơ hội cho người khuyết tật thì chúng ta không thể tưởng tượng được ý chí, nghị lực, sự muốn khẳng định mình của người khuyết tật cao hơn rất nhiều so với người bình thường. Đây là một tâm lý rất phổ biến. Có nhiều người khuyết tật được tạo cơ hội nên đã tạo ra những kỳ tích, tạo được ảnh hưởng về mặt xã hội, trở thành chủ doanh nghiệp. Chính vì vậy cần đánh giá đúng năng lực của người khuyết tật cũng như thay đổi rào cản về mặt nhận thức để tạo cơ hội công bằng cho nhóm người này”, ông Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

 Nhật Thy - Giang Oanh

Bài 2: Tạo cơ chế cho các doanh nghiệp xã hội hỗ trợ người khuyết tật

Top