Còn 3 trọng điểm và 13 vị trí xung yếu đê điều

20/05/2019 1:30 PM

(Chinhphu.vn) - Kiểm tra trước mùa mưa lũ năm 2019 cho thấy, hiện các tuyến đê đã đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, tuần tra canh gác đê cần thực hiện liên tục để phát hiện sớm sự cố, hư hỏng nhằm ứng cứu, xử lý, bảo về các trọng điểm, vị trí xung yếu.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão cho biết, Hà Nội có hệ thống sông ngòi hồ đập nhiều với hai hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Ngoài ra còn có hệ thống các sông nội địa như sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Bên cạnh đó, hệ thống đê điều của thành phố Hà Nội là hệ thống lớn, với 626,5 km đê được phân cấp và 132,8 km đê chưa phân cấp. Dọc các tuyến đê có 156 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài là 191,7 km; 195 cống qua đê; 241 cửa khẩu qua đê… Hệ thống đê điều của thành phố cũng đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã…Tất cả những điều trên yêu cầu Hà Nội cần có biện pháp bảo vệ đê điều khi mùa mưa lũ đến.

 

Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, Hà Nội hiện còn 3 trọng điểm và 13 vị trí xung yếu.

Cụ thể, trọng điểm số 1 là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh-Long Tửu, đây là khu vực đê sát sông Hồng, mái kè cũng là mái đê. Trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu là công trình liên tỉnh Hà Nội - Bắc Ninh, được xây dựng từ lâu (năm 1962), đáy cống thấp. Do ảnh hưởng của chế độ thủy lực phức tạp khu vực cửa vào sông Đuống, dòng chủ lưu chảy áp sát bờ tả, mái kè cũng là mái đê, nên đáy sông liên tục bị bào xói, xuất hiện nhiều hố xói sâu.

Những năm gần đây liên tục xảy ra sự cố đê, kè tại khu vực này, mặc dù hai bờ đã được gia cố kè hộ chân. UBND thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý đảm bảo ổn định khu vực cửa Đuống, Tổng cục Thủy lợi cũng cho ý kiến về quy mô, giải pháp kỹ thuật với khu vực này. Nhưng do vị trí trọng yếu nên khu vực này vãn là trọng điểm xung yếu và cần được quan tâm, xây dựng, có phương án bảo vệ.

Trọng điểm số 2 là công trình cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Đây là một trong những công trình lớn, do người Pháp xây dựng (năm 1938), đáy cống ở cao trình thấp, tường ngực bị thấm. Vì vậy khu vực này cần được xây dựng phương án bảo vệ; tổ chức theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng cứu, đảm bảo an toàn.

Trọng điểm số 3 là cống Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ có sự cố mạch đùn, mạch sủi dưới cống nghiêm trọng, xuất hiện ở cả thượng và hạ lưu cống khi có chênh lệch mực nước. Bộ NN&PTNT, Tổng cục Phòng chống thiên tai, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo xử lý cấp bách nhưng hiện nay chưa được triển khai thi công khắc phục sự cố. Vì thế, cần phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến và lập phương án phòng chống lụt bão cho cống Cẩm Đình, đảm bảo an toàn chống lũ của tuyến đê Vân Cốc.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, ngoài việc xây dựng phương án bảo vệ những trọng điểm nêu trên, Hà Nội phải hoàn thiện phương án toàn tuyến và tổ chức tuần tra canh gác, sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo an toàn đê điều theo mức thiết kế và phấn đấu vượt mức thiết kế. Năm 2019, ngoài 3 trọng điểm trên các tuyến đê xác minh còn 13 điểm xung yếu. Những điểm xung yếu được thống kê, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã giao Tiểu ban Kỹ thuật lập phương án, trình Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, thị xã phê duyệt. Vào mùa lũ cần tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu hộ đê nếu có tình huống xảy ra.

Thiện Tâm

Top