Công bố tình trạng khấn cấp sự cố sạt lở ở huyện Chương Mỹ

29/05/2020 8:25 AM

(Chinhphu.vn) - UBND thành phố Hà Nội vừa công bố tình trạng khấn cấp sự cố sạt lở bờ sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn một số xã của huyện Chương Mỹ.

Bộ NN&PTNT kiểm tra tình trạng sụt lở trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hoài Lưu

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay diễn biến sạt lở tại những khu vực này đang phức tạp, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả Bùi bờ tả sông Bùi và bờ hữu sông Đáy nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống gần các khu vực sạt lở.

Phạm vi khu vực sạt lở từ bờ hữu sông Đáy thuộc xóm 8, xóm 9 thôn Lưu Xá đến đầu kè Hoà Chính bờ tả sông Bùi, xã Hoà Chính. Sự cố sạt lở đã làm nhiều bụi tre, cây cối, vật kiến trúc của 18 hộ dân đã bị sạt trượt xuống sông, làm nứt và đổ nghiêng khoảng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá, xã Hòa Chính. 

Trên địa bàn xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, tại thôn Cấp Tiến, sạt lở từ vị trí cuối kè Nguyễn Trãi cũ đến nhà ông Nguyễn Văn Ca, chiều dài khoảng 500m, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân. 

Tại xóm 6-8, sạt lở xảy ra từ Bãi Yến đến giáp đầu kè Văn Võ 6-8 chiều dài khoảng 400m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân ven sông; sạt lở xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại vị trí các nhà ông Phạm Văn Thi, ông Phạm Văn Bằng, ông Phạm Văn Thoa, ông Nguyễn Văn Sự, ông Nguyễn Văn Thanh gây sụt lún công trình phụ, cây cối của các hộ dân.

Ngoài ra, hiện cũng đang xảy ra sự cố sạt lở đê tả sông Bùi đoạn qua địa phận xã Tốt Động: Đoạn từ đình Yên Duyệt đến Xóm mới chiều dài khoảng 980m dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông lên 4,0m, mái sông dốc đứng, dòng chủ lưu thúc thẳng vào thân đê, trên tuyến xuất hiện 06 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ (10 đến 65)m, chiều sâu cung sạt từ (1 đến 2)m.

Đoạn từ cầu Zét đến cầu sắt đầm kênh: chiều dài khoảng 650m, dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông 4,0m; mái sông dốc, dòng chảy áp sát và thân đê, trên tuyến xuất hiện 06 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ (10 đến 50)m, chiều sâu cung sạt từ (1 đến 1,5m) tạo thành vách thẳng đứng.

Sạt lở bờ tả mái thượng lưu đê tả sông Bùi tại thôn 5 xã Quảng Bị có phạm vị sạt lở phía thượng lưu từ đầu cầu Đầm Mơ đến giáp kè cũ Đông Quang, xã Quảng Bị dài khoảng 300m, xuất hiện 02 cung sạt dài khoảng 50m, chiều sâu từ (1 đến 1,5m), cung sạt ăn sâu vào thân đê làm nứt, vỡ mặt đường bê tông trên mặt đê gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 20 hộ dân trong khu vực.

Để tăng cường các biện pháp tăng cường bảo vệ đảm bảo an toàn công trình và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, UBND huyện Chương Mỹ ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; kịp thời tuyên truyền, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố đế người dân biết chủ động phòng tránh; hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ trực theo quy định.

Đồng thời, phối hợp Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão thực hiện xây dựng phương án, tổ chức xử lý giờ đầu, sẵn sàng ứng phó sự cố theo phương châm "4 tại chỗ", không để sự cố phát triển thêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình đê điều và các hộ dân sinh sống trong các khu vực sạt lở.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện ngay việc khoanh vùng vị trí sạt lở và phạm vi sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ sạt lở; cảnh báo và đặt biển báo sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố; chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Chương Mỹ theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức báo cáo theo quy định.

Đồng thời, Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông thông tin, cảnh báo về tình trạng khẩn cấp trên để nhân dân biết chủ động phòng tránh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, huyện Chương Mỹ có 3 con sông chảy qua là sông Tích, sông Bùi và sông Đáy, nhưng “không hiền hòa” nên lúc nào Huyện cũng phải sẵn sàng ứng phó với thiên tai … Do địa bàn Chương Mỹ nằm trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ rừng ngang, thường xuyên ảnh hưởng ngập úng, nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Trong mấy năm qua, do chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, huyện đã đề nghị UBND Thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống đê chống lũ ở những xã nằm bên Hữu sông Bùi, lên phương án di dân lên vùng gò đồi cao.

Năm 2020 được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, do đó công tác phòng chống thiên tai sẽ gặp nhiều khó khăn, mặt khác hệ thống đê điều trên địa bàn đắp lâu ngày đã lún, không đảm bảo cao độ thiết kế, một số cống dưới đê đã hư hỏng, thẩm lậu. Cùng với đó, các trạm bơm hiện phần lớn chưa đảm bảo năng lực tiêu so với lượng mưa trên 250 mm/trận. Các tuyến kênh tiêu bị sạt lở, bồi lắng hoặc bị đăng chặn làm cản trở dòng chảy, hệ thống điện cao thế khi có mưa bão thường xảy ra sự cố mất điện làm một số trạm bơm phát huy hiệu quả thấp…

Trước thực tế này, huyện Chương Mỹ đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng chống bão lũ trước ngày 15/5. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Tu bổ, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp xong trước 31/5; kiểm kê, bổ sung vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng Chống thiên tai…Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng, Chống thiên tai…Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, ban ngành xây dựng phương án để tham mưu cho Huyện ủy, UBND Huyện trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn… 

Minh Anh

Top