Cửa hàng tiện ích: ‘Cầu nối’cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt

31/12/2020 4:27 PM

(Chinhphu.vn) - Với lợi thế quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp nhưng đáp ứng được nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người tiêu dùng, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.

Ảnh minh họa

Trước đây, khi muốn mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước xả vải, dầu ăn, mỳ tôm, gạo… người tiêu dùng thường phải đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Nhưng hiện nay, nhiều người đã tìm đến các cửa hàng tiện ích, tạp hóa để mua sắm. Là người thường xuyên mua hàng tại siêu thị mini, cửa hàng tự chọn, chị Bùi Phương Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi tham khảo và so sánh giá cả, chất lượng hàng giữa siêu thị mini và thị trường, tôi thấy giá hàng trong siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tương đương thị trường bên ngoài, quan trọng hơn là chất lượng, nguồn gốc hàng hóa luôn được bảo đảm, rõ ràng không mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn mác.

Đang thanh toán tại quầy hàng Vinmart , chị Nguyễn Thị Trang (Thụy Khuê, Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua các mặt hàng thiết yếu cho gia đình tại các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini bởi thấy được sự tiện ích của nó. Nhiều khi chạy ngay ra đầu phố, kể cả buổi tối là tôi có thể mua được thực phẩm tươi ngon về chế biến bữa ăn cho cả gia đình mà không cần phải ra chợ hay siêu thị lớn”.

Không những tiện ích mà chị Trang còn cho biết, mua sắm thực phẩm ở đây cho chị cảm giác yên tâm hơn so với chợ bên ngoài. Hàng hóa gắn nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng. Thực phẩm tươi sống được bảo quản trong tủ lạnh...

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) mới chỉ chiếm được hơn 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Còn lại phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về hệ thống cửa hàng tiện ích, tạp hóa, đại lý bán lẻ với số lượng lên đến 1,5 triệu cửa hàng và 9000 chợ... chiếm đến 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, khách hàng dễ dàng tiếp cận tiệm tạp hóa để mua hàng do các cửa hàng này thường nằm trong khu dân cư, người dân có thể đi mua một hay nhiều lần trong ngày. Mô hình bán lẻ này cũng phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, các tiệm tạp hóa thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và thường đưa ra mức giá tốt nhất nên thu hút rất đông khách hàng mua sắm.

Thực tế cho thấy, để tiêu thụ sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng đã đẩy mạnh liên kết với hệ thống cửa hàng tạp hóa, tiện ích, chợ truyền thống. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, hiện có tình trạng một số siêu thị đột ngột nâng chiết khấu và các chi phí đưa hàng lên kệ làm cho hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt khó đưa vào siêu thị tiêu thụ. Trong khi đó chi phí để hàng hóa có mặt tại các cửa hàng tạp hóa, tiện ích thấp hơn siêu thị nên đây là kênh tiêu thụ sản phẩm Việt hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất.

Nhận thấy lợi ích mà phương thức bán lẻ này mang lại, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Co.op Food, Satra Foods, Vinmart … đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới bán lẻ của mình trong các khu dân cư.

Đại diện Vinmart cho biết, sau gần 1 năm sáp nhập vào Tập đoàn Masan, hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart đã phát triển 2.524 cửa hàng tại 58 tỉnh thành (tính đến cuối tháng 9/2020). Theo kế hoạch chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, VinCommerce đặt mục tiêu hệ thống sẽ sở hữu 10.000 cửa hàng VinMart khắp 63 tỉnh thành.

Đánh giá việc doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, tạp hóa để tiêu thụ hàng Việt, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, đây là hướng đi đúng bởi các doanh nghiệp Việt chưa đủ quy mô, vốn để chống chọi với các doanh nghiệp nước ngoài. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ vì chúng ta đang ở quy mô nhỏ, có thể nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng. Đây vốn là việc mà những công ty lớn không dễ làm được”, bà Lan nhấn mạnh

Có thể thấy rằng, hệ thống cửa hàng tiện ích, tạp hóa là cầu nối cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt, do đó trong thời gian tới ngành công thương trong chiến lược phát triển hệ thống phân phối sẽ chú trọng kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, vận hành, phát triển hệ thống bán lẻ này.

Bích Phương

Top