Cùng phối hợp để nhân dân đón Xuân vui tươi, an toàn, phấn khởi

30/12/2023 6:54 AM

(Chinhphu.vn) - Các sở, ngành, địa phương của Hà Nội đều cho biết, đến thời điểm này đều triển khai các nhiệm vụ một cách tốt nhất để phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết an toàn, vui tươi, phấn khởi.

Cùng phối hợp để nhân dân đón Xuân vui tươi, an toàn, phấn khởi- Ảnh 1.

Sở Văn hóa và Thể thao đã có kế hoạch tổ chức trang trí trực quan với khoảng trên 34.000 băng rôn... Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều hoạt động văn hoá-nghệ thuật dịp Tết Nguyên đán

Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đỗ Đình Hồng, Sở đã có kế hoạch tổ chức trang trí trực quan với khoảng trên 34.000 băng rôn, 24 cụm quảng cáo, hơn 2.000 giá cờ. Ngoài ra Sở sẽ tổ chức trang trí, chiếu sáng nghệ thuật với khoảng 120 màn hình led tại nhiều địa điểm; các cụm pano được trang trí tại 4 cầu: Nhật Tân, Thăng Long, Đông Trù, Vĩnh Tuy. Sở Văn hoá và Thể theo cũng phối hợp với Sở Xây dựng để rà soát, trang trí, chiếu sáng tại các cầu vượt.

Sở cũng hướng dẫn trang trí tại các quận, huyện, thị xã, đến nay, các địa phương đều có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trang trí.

Về chương trình văn hoá nghệ thuật, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, Thành phố có chương trình chào năm mới 2024 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; sáng ngày 1/1/2024 sẽ diễn ra giải chạy bán marathon tại phố đi bộ Trần Nhân Tông. Ngoài ra, tại các quận, huyện, thị xã sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật chào đón năm mới, các hoạt động nghệ thuật sẽ kéo dài từ dịp Tết Dương lịch đến Tết Âm lịch theo từng chủ đề. Vào tối ngày thành lập Đảng (3/2) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc tại khu vực đền Bà Kiệu. Ngoài ra, Sở Văn hoá và Thể thao cũng sẽ tổ chức 24 triển lãm về các sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội có liên quan đến dịp Tết, ngày thành lập Đảng…

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để chuẩn bị cho công tác trang trí phục vụ các ngày lễ, Tết năm 2024, Sở đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì cùng công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội xây dựng phương án trang trí nơi công cộng và phối hợp lấy ý kiến của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND các quận, huyện có liên quan đối với phương án trang trí Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn Thành phố.

Trong năm 2024, Sở sẽ triển khai trang trí cây hoa 5 kỳ cuộc: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn: Giải phóng Miền Nam 30/4, Quốc Khánh 2/9, Giải phóng Thủ đô 10/10. Phương án chiếu sáng đô thị, trang trí chiếu sáng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đồng chí Võ Nguyên Phong cho biết, thời gian vận hành toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí hiện có từ ngày 2/2/2024 đến 25/2/2024. 

Đối với quận Hoàn Kiếm, quận trung tâm của Thủ đô, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho biết, với tính chất là địa bàn trọng điểm, vị trí trung tâm Thủ đô, việc bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn dịp Tết là công tác được quận quan tâm thực hiện. Quận đã đồng loạt ra quân bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội Xuân năm 2024. Công an quận đang triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, bình yên.

Trong dịp Tết Dương lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có lễ hội Countdown tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, địa bàn quận có 2 trận địa pháo hoa tầm cao. Đến nay công tác xã hội hóa công tác tổ chức bắn pháo hoa cơ bản đã hoàn thành.

Quận cũng phối hợp với các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ cải tạo mặt đường tại một số tuyến phố; duy tu, cải tạo hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cấp điện trên địa bàn nhằm phục vụ Tết. Công tác trang trí, cảnh quan môi trường, quận đã nhận bàn giao từ Sở Xây dựng một số vườn hoa, không gian công cộng nhằm trang trí tiểu cảnh, bóng đèn chiếu sáng trên các khu vực này, tạo không khí vui tươi phục vụ Tết Nguyên đán.

Cùng phối hợp để nhân dân đón Xuân vui tươi, an toàn, phấn khởi- Ảnh 2.

Quận Hoàn Kiếm đã đồng loạt ra quân bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường dịp Tết - Ảnh: VGP/Gia Huy

Làm tốt an sinh xã hội, chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ nhân dân

Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn với 12 nhóm mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp Tết, các doanh nghiệp sẽ bảo đảm giá cả hợp lý, đúng quy định của Nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân. Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, rà soát kiểm soát giá phục vụ người dân trong dịp Tết.

Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 40.900 tỷ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trị thường trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa trước 3 tháng Tết, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; đủ nguồn hàng đa dạng phong phú, chủ yếu khai thác thị trường nội địa phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7%-10%. Sở Công Thương đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18 nghìn điểm bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa có đơn vị đã cao hơn 3 lần kế hoạch giao, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện trong dịp Tết, trong đó tổ chức 83 chợ hoa Xuân. Quyền Giám đốc Sở Công Thương đề xuất UBND các quận, huyện có danh sách tổ chức chợ hoa Tết xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo đủ hàng hoá Tết phục vụ nhu cầu người dân; phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương triển khai đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian chợ hoa Xuân và sau chiều 30 Tết.

Riêng về tổ chức chợ hoa Xuân, quận Tây Hồ cho biết, do đặc thù là vùng trồng đào, quất nổi tiếng (đào Nhật Tân, quất Tứ Liên) nên quận đặc biệt quan tâm đến thị trường đào, quất để tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác điều kiện tổ chức giao thông, an ninh trật tự, mặt bằng tổ chức cho 10 điểm chợ hoa Xuân diễn ra trên địa bàn.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, quận sẽ trao hơn 5.400 suất quà, tổng kinh phí 13,5 tỷ đồng tặng quà, chăm lo các đối tượng người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo an sinh xã hội.

Trên địa bàn quận có gần 20.000 đoàn viên công đoàn, trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 55%, có hơn 2.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Quận đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận trao hơn 2.000 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500 -1 triệu đồng, phát phiếu mua hàng, hỗ trợ vé xe để người lao động về quê đón Tết, tổ chức Tết sum vầy đảm bảo chăm lo cho người lao động trong dịp Tết 2024. 

Đối với huyện Ba Vì, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động trước, trong, sau Tết. Ba Vì có trên 1.000 đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ, người có công…, huyện đã có kế hoạch khai 13 đoàn đến thăm, tặng quà sớm và đúng đối tượng đến người dân. Ngoài đối tượng thuộc diện Trung ương và Thành phố, huyện Ba Vì đã huy động trên 1,4 tỉ đồng để tặng quà cho hộ nghèo và cận nghèo.

Ba Vì cũng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đặc biệt là tiếp tục chương trình "sáng, xanh, sạch, đẹp", trang trí trực quan, tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn các xã, thị trấn phục vụ nhân dân đón Tết.

Triển khai kế hoạch của ngành Công Thương, huyện Ba Vì đã rà soát việc chuẩn bị các mặt hàng, đến nay có thể khẳng định cơ bản bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.

Gia Huy

Top