Cuối năm 2019 sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

15/02/2019 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Theo kế hoạch đặt ra, năm 2019 Hà Nội đặt mục tiêu 80% TTHC được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tuy nhiên, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu hết năm 2019 Hà Nội phải cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3, 4 đến người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chính quyền điện tử TP. Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Hà Nội hiện có 1.055 dịch vụ công trực tuyến

Chiều 15/2, báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, đối với nhiệm vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4, Thành phố đặt kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2018 có 55% TTHC của Thành phố được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.

Kết quả cho thấy, đến hết tháng 12/2018, toàn Thành phố đã có 1.055 DVCTT (hoàn thành mục tiêu đạt 55%, trong đó có 916 DVCTT mức 3 và 139 DVCTT mức 4) bao gồm các DVCTT tiếp nhận từ các Bộ, ngành, các DVCTT do đơn vị tự triển khai và Thành phố triển khai trên Cổng Dịch vụ công dùng chung.

Về kết quả triển khai hệ thống một cửa điện tử, các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Toàn thành phố có trên 11 nghìn tài khoản, tiếp nhận trên 311 nghìn hồ sơ TTHC. Riêng cấp xã đã tiếp nhận trên 279 nghìn hồ sơ cho thấy hiệu quả của hệ thống, giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2018, các vướng mắc, khó khăn của các đơn vị, năm 2019, Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn các Sở, ban, ngành xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Thành phố cũng sẽ duy trì, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi làm nền tảng triến khai các hệ thống thông tin chuyên ngành, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung gồm: Dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm. Triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ chỉ đạo, điều hành UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố...

Trong kế hoạch CNTT TP. Hà Nội năm 2019 đã được ban hành, để xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, Hà Nội sẽ từng bước hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội.

Trung tâm Điều hành này sẽ có 8 trung tâm chức năng gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Hoàn thành số hóa dữ liệu vào cuối năm 2019

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT TP. Hà Nội đánh giá cao các thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương đã tập trung cao độ thực hiện kiểm tra, sắp xếp quy trình TTHC, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đạt đúng lộ trình đết hết năm 2018 Thành phố có 55% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; mức độ giải quyết TTHC đều đạt trên 98%.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở TT&TT tiếp tục đào tạo cán bộ về chương trình CNTT để thành thạo các chương trình, phần mềm ứng dụng. Cách thức tổ chức là đưa lên trực tuyến để cán bộ tự học và tổ chức một số buổi học trực tuyến để phổ biến đến cán bộ.

Nhấn mạnh đến việc số hóa dữ liệu, Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị hướng dẫn các quận, huyện tổ chức đấu thầu lựa chọn công nghệ, phương tiện, công cụ thích ứng. Giám đốc các Sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm để đến hết năm 2019 phải số hóa toàn bộ dữ liệu của sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Về việc các quận, huyện, thị xã tổ chức lắp camera, theo Chủ tịch TP. Hà Nội, Thành phố sẽ có văn bản về tiêu chuẩn để các quận, huyện, thị xã lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm camera phải nhận diện khuôn mặt, biển số, tích hợp với toàn bộ hệ thống giao thông vận tải.

Tại cuộc họp, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã hoàn thành hệ thống để đến trước ngày 30/6, các cuộc họp trực tuyến được thực hiện đến 584 xã, phường, thị trấn. Đối với Sở Du lịch cần lựa cọn nhà đầu tư để xây dựng dự án du lịch thông minh; Sở GD&ĐT chủ trì toàn bộ chương trình tuyên truyền, phổ biến cho học sinh về dịch vụ công trực tuyến.

Ngay sau cuộc họp, tất cả sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tại địa phương, đơn vị.

Tại cuộc họp, UBND TP. Hà Nội đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT TP. Hà Nội do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung là Trưởng ban, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý là Phó Trưởng ban, Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố Lê Tự Lực là Ủy viên Thường trực. Ban chỉ đạo còn gồm Giám đốc 11 Sở, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư...

Gia Huy

Top