Đảm bảo phòng, chống thiên tai từ cơ sở
(Chinhphu.vn) - Để giảm thiểu những ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa bão gây ra, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước và lên kế hoạch sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai sắp tới.
![]() |
Triển khai công tác hộ đê để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, trong năm 2018, Hà Nội chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão (cơn bão số 3 và bão số 4) và 2 áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, từ ngày 13-22/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Trung Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên khu vực vịnh Bắc Bộ, sau ảnh hưởng rìa phía Bắc bão số 3, áp thấp nhiệt đới 5, thành phố có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến 250-300mm. Đợt mưa lớn này đã gây ngập úng nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sản xuất của nhân dân, trong đó huyện Chương Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các địa phương chủ động ứng phó thiên tai
Ngoài ra, do địa hình khu vực phía Tây Hà Nội gồm: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có độ dốc lớn nên bị ảnh hưởng mạnh của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhanh, trong thời gian ngắn mực nước các sông lên cao, dẫn đến tình hình ngập úng nặng nề hơn, nhất là trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức. Hồ Sơn La cùng với hồ Hòa Bình tham gia cắt giảm, điều tiết lũ cho Hà Nội nhưng hầu hết các sông của nước ta đều bắt nguồn từ Trung Quốc, vì vậy vẫn còn yếu tố bị động trong việc điều tiết, cắt giảm lũ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại nặng nề từ thiên tai mưa bão.
Từ thực tế tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ cho thấy đây là khu vực có địa hình rất phức tạp, đất đai chia cắt bởi khu vực đồi gò và các đồng trũng. Xã có 6 thôn thuộc vùng trũng giữa của huyện Chương Mỹ và có sông Bùi chảy qua, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Do đặc điểm riêng của con sông Bùi chảy qua địa bàn xã quanh co lòng sông hẹp nên khi có lượng mưa thượng nguồn dồn về nước dâng lên rất nhanh, nguy cơ tràn đê, vỡ đê là rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến 8 nghìn người dân của xã và nhân dân các xã thuộc vùng Tả Bùi huyện Chương Mỹ và trung tâm thành phố.
Qua thực tiễn công tác ứng phó, đảm bảo an toàn đê điều trong những năm qua, đặc biệt là trong các đợt bão, mưa lũ vừa qua, xã Thanh Bình cho rằng để phòng chống lụt bão hiệu quả, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống thiên tai, để giảm nhẹ thiên tai gây ra khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng và trách nhiệm của họ đối với chính mình.
Cấp ủy, chính quyền thường xuyên tuyên truyền giáo dục nhận thức công tác phòng chống thiên tai ở cộng đồng với nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin chính xác, kịp thời nhất là khi có thiên tai xuất hiện, thông báo chính xác đầy đủ thông tin một cách nhanh nhất để người dân biết và chủ động.
Hay như xã Đông Yên là một xã địa bàn rộng, đông dân cư được phân bổ trên 4 thôn thuộc vùng bán sơn địa nằm ở phía Tây của huyện Quốc Oai. Xã có chiều dài đê theo sông Tích 5km, đê chắn lũ rừng ngang là sông Bùi 2km, đây là xã gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai do các tuyến đê chắn lũ rừng ngang xen canh với xã Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình và thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trước những khó khăn đó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Đông Yên xây dựng kế hoạch vật tư dự trữ, xác định số lượng, chất lượng vật tư phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, mua bổ sung vật tư đủ số lượng theo quy định. Trong năm 2019, để phòng chống thiên tai, lũ lụt hiệu quả, xã Đông Yên rất cần các cấp ngành quan tâm để nâng cao xử lý cấp bách tuyến đê Cừ, đê Khoang Lươn, đê đồng Lọng các đê này chắn lũ rừng ngang và sông Bùi.
Ông Đặng Văn Võ, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất cho biết, xã Cần Kiệm là xã nằm ở phía Tây của huyện giáp với huyện Quốc Oai có 8,4km đê. Trong đó đê vùng là 6,4km, đê tả Tích 2km trên toàn xã có 9 trạm bơm tiêu và có 21 cống qua đê lớn và nhỏ, đồng ruộng bậc thang và là rốn nước của huyện chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã hạn. Năm 2018 là một năm diễn biến thời tiết hết sức phức tạp trên địa bàn huyện Thạch Thất, với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến xã và từ xã xuống thôn đã đảm bảo tốt công tác “4 tại chỗ”. Đồng thời cán bộ và nhân dân xã đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, không để thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và của nhân dân giữ an toàn tuyệt đối các tuyến đê bao.
Thực hiện “4 tại chỗ” để ứng phó
Trong công tác phòng, chống đê điều cần lưu ý những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý hồ chứa cũng như những biến đổi bất thường về khí hậu dẫn đến nguy cơ làm mất an toàn, vỡ đập và gây ra thảm họa cho khu vực hạ du. Cần chú trọng đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa, phối hợp tiêu thoát nước nhanh cho khu vực nội thành, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Vì vậy, theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2019, đảm bảo an toàn tuyệt đối với từng công trình. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đồng thời nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, đặc biệt là kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tình huống cháy nổ…
UBND các quận, huyện, xã, phường chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức thực hiện công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn phụ trách. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo về lực lượng, nhu yếu phẩm, vật tư và trang thiết bị về chủng loại, số lượng, chất lượng, phương án điều động. Đồng thời tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác và xung kích tập trung. Triển khai công tác tập huấn, huấn luyện cho lực lượng tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích… Khi có thiên tai xảy ra, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc thống kê, kiểm kê, đánh giá chính xác mức độ thiệt hại theo quy định…
Thiện Tâm