Đan Phượng - huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

12/07/2019 4:15 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi 3 xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của TP Hà Nội, huyện Đan Phượng đặt mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn mới. Để tiếp tục phát huy kết quả, huyện Đan Phượng đang tập trung xây dựng NTM đi vào chiều sâu, tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu trong xây dựng NTM nâng cao.

Huyện Đan Phượng đang tập trung xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Ảnh: Thành Nam

'3 tập trung, 4 trụ cột, 5 điểm nhấn'

Thời gian qua, huyện Ðan Phượng đã  đạt nhiều kết quả trong xây dựng NTM. "3 tập trung, 4 trụ cột, 5 điểm nhấn" là cách làm NTM mang bản sắc riêng của huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, 3 tập trung là tập trung cho công tác tuyên truyền về kết quả xây dựng NTM, mô hình hiệu quả, nêu gương người tốt việc tốt, phong trào cụ thể; tập trung các lực lượng tham gia xây dựng NTM, trong đó các đoàn thể làm nòng cốt, tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. 4 trụ cột trong sản xuất nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị, thương hiệu, củng cố phát triển HTX.

5 điểm nhấn là về văn hóa phát huy truyền thống văn hóa của địa phương, làng xã, xây dựng nếp sống văn minh, trong đó chú trọng thực hiện tang hỏa táng, đưa tro cốt vào nhà bảo quản chung của xã; môi trường sạch trọng tâm là vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tại hộ gia đình; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo nguyên lý bác sĩ gia đình; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%.

Nhờ đó, riêng 6 tháng qua, huyện đã chuyển thêm được 66 ha đất sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn, nâng diện tích trồng hoa trên địa bàn huyện đạt 507 ha, diện tích trồng cây ăn quả hơn 600 ha. Tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực gồm bưởi tôm vàng, rau hữu cơ và hoa lan, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng 6 cụm công nghiệp làng nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội.

Sau khi 3 xã Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Ðan Phượng tập trung chỉ đạo toàn bộ các xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó 7 xã, gồm: Ðồng Tháp, Phương Ðình, Thọ An, Trung Châu, Tân Hội, Tân Lập và Liên Hà thực hiện theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Ðến nay, toàn bộ 15 xã trên địa bàn huyện đều đạt và cơ bản đạt từ 15 tiêu chí trở lên, trong đó, 2 xã Phương Ðình và Liên Hà đã đạt và cơ bản đạt 18 trong số 19 tiêu chí NTM nâng cao.

Ðáng chú ý, việc giảm số hộ nghèo của các xã đạt kết quả ấn tượng khi 14 trong số 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 1%, trong đó xã Trung Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện cũng chỉ còn 1,06%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 46 triệu đồng/năm.

Tạo nhiều phong trào thi đua để xây dựng NTM đi lên

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 7 xã về đích NTM nâng cao thì huyện Đan Phượng còn nhiều việc cần phải làm. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thẳng thắn cho biết, hiện một số tiêu chí như tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, môi trường và an toàn thực phẩm chưa cao. Nhất là việc thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác xây dựng NTM của địa phương còn hạn chế; đội ngũ cán bộ có mặt chưa sâu sát với tình hình mới, chưa chủ động trong việc hướng dẫn nhân dân...

Do đó, để đạt mục tiêu có thêm 7 xã đạt NTM nâng cao trong năm nay, huyện Ðan Phượng cần sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Ðồng thời, đa dạng các giải pháp huy động nguồn lực xã hội để cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và thiết chế văn hóa, nhất là các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời cho người dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, thúc đẩy các ngành nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện một số giải pháp như mỗi cán bộ, công chức cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trình độ đáp ứng tình hình mới. Tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nhiều phong trào thi đua để xây dựng NTM ngày càng được nâng lên, kinh tế ngày càng phát triển, an ninh chính trị luôn ổn định, có nhiều mô hình kiểu mẫu. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội.

Tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện phát triển làng nghề, gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đưa các hộ dân vào sản xuất, kinh doanh tập trung tại các khu, cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Ðẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, giáo dục, môi trường nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân… Từ đó tạo nền tảng vững chắc để cán bộ, nhân dân huyện Đan Phượng tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới.

Thành Nam

Top