Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu lao động của doanh nghiệp

26/10/2020 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức được hàng trăm lớp đào tạo nghề, từ đó mở rộng cơ hội việc làm cho lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu lao động trong tình hình mới, đòi hòi cần có những giải pháp đào tạo nghề phù hợp hơn.

Dạy nghề mang lại cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Thành Nam

Mở rộng cơ hội việc làm

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn TP. Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 80.000 lao động nông thôn. Sau học nghề, 88,45% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, thu nhập cao hơn.

Đề cao chất lượng và hiệu quả, trong quá trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, đơn vị chức năng luôn lấy người học làm trung tâm, tổ chức dạy nghề khi chắc chắn bảo đảm có việc làm cho hơn 80% số người đăng ký học. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng đã căn cứ vào nguyện vọng của người học, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động để điều chỉnh danh mục các nghề đào tạo cho lao động nông thôn từ tổng số 49 nghề của giai đoạn trước, xuống còn 33 nghề (16 nghề nông nghiệp, 17 nghề phi nông nghiệp).

Đồng thời, các địa phương căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để lựa chọn mô hình đào tạo nghề phù hợp. Điển hình như việc phát triển mô hình đào tạo nghề may công nghiệp, giúp người lao động đạt mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng sau khi học nghề. Mô hình làng nghề phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ mang đến cho người lao động thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức… cho thu nhập từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng...

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đào tạo nghề mang lại nhiều hiệu quả. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ cho biết, những năm gần đây, công ty đã phối hợp với các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai… tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động; đồng thời thu mua, bao tiêu sản phẩm do các học viên sản xuất ra sau khi hoàn thành các khóa học…

Mặc dù công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều bước tiến thời gian qua, tuy nhiên, ở một số nơi, việc tổ chức đào tạo nghề vẫn chưa phù hợp với nhu cầu của người học, chưa gắn với xu hướng phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, số người đã có việc làm chủ yếu là do họ tự tạo việc làm, còn số người được các doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm không nhiều, hiện mới đạt 11%. Điều này phần nào cho thấy, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm khá cao, nhưng tính ổn định cũng như chất lượng của việc làm chưa cao. Cũng có một số lao động nông thôn không mặn mà tham gia học nghề, mặc dù được hỗ trợ 100% kinh phí trong quá trình học.

Điều chỉnh để thích ứng

Năm 2020 là thời hạn cuối cả nước thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trước những hiệu quả được kiểm chứng, hiện nay dù chưa có đề án thay thế, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh những vướng mắc trong việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phù hợp với nhu cầu của người học, thích ứng với tình hình mới.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh cho biết, cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ, đòi hỏi phải có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của những công việc mới hình thành. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm, huyện Đông Anh sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho từ 1.800 đến 2.000 người; từng bước đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 94%… Quan trọng nhất là sau đào tạo nghề, người học nghề phải có việc, đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường.

Là địa phương có nhiều làng nghề, khu công nghiệp, các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ phối hợp trực tiếp với các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức đào tạo nghề cho người lao động. Kinh phí đào tạo chủ yếu do các đơn vị sử dụng lao động đầu tư. Cách làm này vừa giảm chi phí đào tạo cho ngân sách, vừa giúp người lao động được học đi đôi với hành, bảo đảm chắc chắn có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ngoài sự chủ động của các địa phương, các sở, ngành của Thành phố cũng khảo sát, nghiên cứu để đề xuất những giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, phụ trách việc triển khai đào tạo các nghề nông nghiệp, hiện Sở đã quán triệt các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của người học và nguồn tiêu thụ đầu ra. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2025, các địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội đề xuất tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 70.000 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tối thiểu 80%...

Để thực hiện mục tiêu này, Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như làm tốt hơn công tác khảo sát nhu cầu học nghề, gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm. Ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn…

“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới sẽ không tách rời chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới”, ông Tạ Văn Tường cho hay.

Thành Nam

Top