Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ

25/03/2024 7:37 PM

(Chinhphu.vn) - Thời điểm giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa sáng rất lạnh, trưa nắng, chiều lại lạnh, độ ẩm không khí khiến số trẻ viêm đường hô hấp tăng cao. Trong đó, có nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ- Ảnh 1.

Phụ huynh cần tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ trong thời tiết giao mùa. Ảnh: VGP/TT.

Ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông hiện có hơn 100 bệnh nhân nhi bị viêm đường hô hấp đang điều trị.

Nhà có 2 con nhỏ đều đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Chị Trần Như Phương, La Phù, Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: "Thấy con ho, hắt hơi, sốt... tôi cho con đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông khám thì được các bác sĩ chẩn đoán con bị nhiễm virus hợp bào hô hấp là RSV và cho nhập viện hơn. Hiện tại cháu lớn ổn hơn. Cháu nhỏ mới 3 tháng tuổi, bác sĩ khám tư vấn cháu còn ho và thở yếu nên tiếp tục phải theo dõi điều trị".

Tương tự, mẹ bệnh nhi Lê Kiều An Nhiên, ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Con tôi ở nhà bị ho, sổ mũi, hắt hơi, khó thở. Tôi cho con vào viện khám, các bác sĩ chẩn đoán mắc RSV. Điều trị tại đây được các bác sĩ thăm khám và tiêm thuốc cho con, tôi rất yên tâm. Đồng thời, các bác sĩ hướng dẫn tôi chăm sóc cho con được tốt hơn".

BSCKII Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, trung bình mỗi ngày khoa khám hơn 100 lượt bệnh nhân nhi, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp chiếm 60-70%. Các bệnh đường hô hấp hay gặp đa số là liên quan đến virus nhiều như viêm tiểu phế quản do virus RSV, cảm cúm, cúm A, cúm B, Adeno virus và một số bệnh nhiễm khuẩn khác như viêm đường hô hấp...

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thùy Dương, virus hợp bào hô hấp hay gọi là virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp. Khi bị nhiễm virus thường có các biểu hiện như chảy nước mũi trong, keo dính, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt, khó thở, không thèm ăn... Thường khởi đầu của bệnh triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, ho khò khè... Sau 2-3 ngày sẽ tiến triển nặng lên và chuyển sang viêm tiểu phế quản, viêm phổi và trẻ khó thở hơn, có những trẻ diễn biến nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành bội nhiễm gây viêm tai giữa, có trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp; có những trẻ suy hô hấp nặng phải can thiệp thở máy, thở ô xy để hỗ trợ... Virus hợp bào đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng nên dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra.

BSCKII Nguyễn Thị Thùy Dương nhấn mạnh: Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để các bệnh liên quan đến virus phát triển. Nhất là với trẻ bị viêm đường hô hấp do virus rất nhiều. Để bố mẹ chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ thì cần tránh không để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Bố mẹ nên hạn chế và không cho trẻ tiếp xúc với những người hoặc những trẻ có biểu hiện hắt hơi, ho; hạn chế cho trẻ ra nơi đông người như siêu thị, trung tâm thương mại, nếu đến thì cần đeo khẩu trang cho trẻ để ngăn ngừa nhiễm trùng và lây lan virus RSV. 

Đặc biệt, cần nâng cao thể trạng cho trẻ như với những bé còn trong thời gian bú mẹ nên cho con bú mẹ hoàn toàn đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi để trẻ được tiếp nhận những kháng thể của người mẹ giúp trẻ tăng hệ miễn dịch; những trẻ ăn dặm rồi thì bố mẹ nên bổ sung cho trẻ ăn uống đầy đủ các loại thức ăn để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường sống, môi trường sinh hoạt với không khí trong lành, thường xuyên lau chùi bề mặt vật dụng trong gia đình, các đồ chơi của trẻ; cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay... Trong tất cả các biện pháp, tiêm phòng được xem là biện pháp vô cùng quan trọng đối với trẻ, khi trẻ được tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh rất lớn như tiêm phòng cúm, ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, rubella...

Thiện Tâm

Top