Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh

23/04/2019 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Tính đến ngày 21/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.525 hộ/339 thôn, tổ dân phố/141 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, làm mắc bệnh, tiêu hủy 21.307 con, với trọng lượng 1.324.989 kg. Hiện tại chỉ còn Thị xã Sơn Tây và quận Nam Từ Liêm còn chăn nuôi chưa xảy ra bệnh dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị về ứng phó cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và tăng cường quản lý chó nuôi, phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố ngày 23/4.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mặc dù có nhiều ổ dịch xuất hiện tại 22 quận, huyện nhưng hiện nay đã có 3 ổ dịch (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên; xã Phú Thị, huyện Gia Lâm; phường Yên Sờ, quận Hoàng Mai) đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, số lợn mắc bệnh, tiêu hủy tại các xã/phường này là 148 con với trọng lượng 9.304 kg.

Trong khoảng 2 tháng qua, tính từ ngày 24/2 đến 31/3/2019, dịch bệnh chỉ xảy ra tại 127 hộ/62 thôn/34 xã thuộc 12 quận, huyện với tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy 2.324 con, trọng lượng 157.869 kg. Nhưng từ ngày 1/4 đến nay, dịch bệnh phát sinh thêm 1.398 hộ, 277 thôn, 107 xã, phường với tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy thêm 18.983 con (chiếm 89% tổng số hủy), trọng lượng 1.167.120 kg; đặc biệt số lợn mắc bệnh, tiêu hủy tăng nhanh từ ngày 15/4 đến nay (phải tiêu hủy từ 2000 đến 2600 con/ngày). Bên cạnh đó, tỷ lệ lợn nái mắc bệnh, tiêu hủy là 3.232 con (chiếm 15% tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy). Tính đến thời điểm hiện tại, Sóc Sơn là huyện có số xã và hộ có lợn tiêu hủy lớn nhất là 22/26 xã/85 thôn/522 hộ, tiêu hủy 5.157 con).

Sử dụng thức ăn thừa còn phổ biến trong chăn nuôi

Theo nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi là do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ; các hộ chưa thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăm sóc, nuôi dưỡng, khó kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó là do người dân sử dụng thức ăn dư thừa tại khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, quán ăn với số lượng lớn; qua phương tiện vận chuyển hay vật chủ trung gian.

Để phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua Sở NN&PTNT đã chủ động, phối hợp cùng các Sở ngành liên quan, UBND các quận huyện kịp thời tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, triển khai về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo đồng bộ, kịp thời.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng.

Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi. Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội.

Đối với các địa phương, đã quan tâm, chỉ đạo và đầu tư kinh phí phục vụ phòng, chống dịch. Các ổ dịch ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính đều được triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch không kể ngày, đêm. Công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi được giải quyết kịp thời theo chỉ đạo của UNND Thành phố. Các vùng dịch đều được bố trí kịp thời người, phương tiện tham gia chống dịch; các chốt kiểm dịch tạm thời được lập và trang bị phương tiện phục vụ hoạt động đầy đủ.

Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch vẫn còn gặp khó khăn do một số nơi lực lượng tham gia hoạt động xử lý tiêu hủy lợn chưa trang bị đầy đủ bảo hộ và chưa thực hiện đầy đủ quy trình khử trùng người, phương tiện, dụng cụ khi ra, vào ổ dịch (đây là yếu tố nguy cơ cao làm lây lan, phát tán dịch bệnh ra bên ngoài).

Nhiều địa phương chưa quản lý được hoạt động của những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý nước, chất thải khi thải ra môi trường.Việc sử dụng thức ăn tận dụng còn phổ biến nhưng nhận thức về xử lý thức ăn tận dụng của người chăn nuôi chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu quá nhiều ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ở nhiều thôn, nhiều xã nên hệ thống thú y gặp nhiều khó khăn, vất vả. Đồng thời ảnh hưởng cả việc lây lan dịch bệnh (qua người lấy mẫu, phải đợi kết quả trong 1-2 ngày, lợn bệnh phải chờ tiêu hủy)

Đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, việc chăn nuôi lợn sẽ còn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới. Nhưng để ngăn chặn và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi ngoài nỗ lực của Thành phố, các ngành, địa phương thì chính người chăn nuôi giữ vai trò chủ thể. Họ là người trực tiếp thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch, người chăn nuôi cần chủ động trang bị kiến thức về cơ chế lây bệnh để giữ vững tâm lý, không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn chưa làm chín cho đàn lợn.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết đơn vị cũng tập trung vào các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, trong đó có 8 doanh nghiệp lớn và 662 cam kết tiêu thụ thịt lợn an toàn, có nguồn gốc qua đó góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm thị trường thịt lợn. Ngoài ra ngành Công Thương cũng huy động lực lượng quản lý thị trường, thú y, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt để kiểm soát lợn thương phẩm khi đưa vào lò mổ giết mổ qua đó để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt lợn an toàn.

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng trong thời gian tới Thành phố cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 9 của Chủ tịch UBND Thành phố. Cùng với đó, duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, triển khai Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn. Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ hộ gia đình. 

Kiểm soát an toàn sinh học đối với lực lượng tham gia tiêu hủy lợn, yêu cầu các lực lượng tham gia tiêu hủy lợn phải được trang bị đầy đủ bảo hộ khi ra khỏi ổ dịch phải được khử trùng tiêu độc kỹ. Về phía chính quyền địa phương có chính sách linh hoạt hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng chống dịch kịp thời; đẩy mạnh việc tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao, đối với các hộ chăn nuôi không chấp hành tốt các quy định về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, chính quyền kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí còn xử phạt nếu hộ chăn nuôi không chấp hành, thực hiện tốt.

Người chăn nuôi cần thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực hành chăn nuôi.

Thiện Tâm

Top