Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nhãn chín muộn giữa đại dịch

21/08/2020 3:05 PM

(Chinhphu.vn ) - Ngày 21/8, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với huyện Hoài Đức và Quốc Oai tổ chức thăm vườn nhãn chín muộn nhằm tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2020.

Ký kết tiêu thụ nhãn chín muộn. Ảnh: Thiện Tâm

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, cây nhãn là loại cây thứ ba trong bốn loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. Hiện nay diện tích trồng nhãn là 1.980 ha, tăng hơn 258 ha so với năm 2017; sản lượng thu hoạch ước đạt 21.600 tấn, tăng 8.446 tấn so với năm 2017.

Riêng diện tích nhãn chín muộn (HTM1, HTM2) là hơn 650 ha, năng suất đạt 19-20 tấn, sản lượng 9.000- 10.000 tấn, giá bán bình quân các năm từ 25.000-30.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm là 266 tỷ đồng. Trong đó xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, sản phẩm nhãn đạt 75,6 tỷ đồng; sản phẩm phụ mật ong là 12 tỷ đồng. Giống nhãn chín muộn HTM1, HTM2 có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống từ 20/8 đến 25/9 hàng năm, đáp ứng yêu cầu rải vụ thu hoạch và tiêu thụ.

Trên toàn thành phố, nhãn chín muộn tập trung tại 3 vùng gồm: Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai tập trung chủ yếu tại xã Đại Thành, diện tích 165 ha/220 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 2.500-2.850 tấn; Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, diện tích 146 ha/164 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 2.400- 2.600 tấn tại các xã: An Thượng (70 ha), Đông Lao (30 ha), Song Phương (35 ha)...; huyện Chương Mỹ trồng tập trung tại xã Lam Điền, diện tích đạt 41,7 ha/90 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 800-850 tấn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cùng các đơn vị thăm vườn nhãn chín muộn tại Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thiện Tâm

Cũng theo bà Hoàng Thị Hòa, sản lượng nhãn chín muộn hàng năm của Thành phố đạt khoảng 9.000- 10.000 tấn. Hiện nay phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi, qua sơ chế, đóng gói, nhãn mác. Đồng thời Trung tâm phát triển nông nghiệp cũng tổ chức cấc hội nghị liên kết các tỉnh sản xuất phát triển, quảng bá và tiêu thụ đặc sản nhãn chín muộn tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức. Qua đó, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích thu mua 30-40% và thương lái mua 60-70%.

Công nghệ bảo quản quả nhãn đã được nghiên cứu bảo quản lạnh, xử lý lưu huỳnh, nano bạc.

Năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh do Covid-19 và biến đổi khí hậu, sức cạnh tranh của các loại quả đặc sản khác nên nhãn chín muộn chủ yếu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhân dịp này Sở NN&PTNT đã tổ chức ký kết giữa các nhà vườn sản xuất nhãn chín muộn và đại diện các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần quốc tế Bamboo, Công ty AMeii Việt Nam, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Greenpath.

Thiện Tâm

Top