Đẩy mạnh thanh tra để bảo đảm trật tự xã hội

15/11/2018 3:31 PM

(Chinhphu.vn)- Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 178,896 tỷ đồng và 3,3 ha đất, kiểm điểm trách nhiệm đối với 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm và chuyển cơ quan điều tra 1 cuộc.

Trong năm 2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc và chương trình công tác của UBND thành phố. Đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, trong công tác thanh tra hành chính, theo Chánh thanh tra Thành phố Nguyễn An Huy, trong năm 2018, Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 376 cuộc thanh tra và kết thúc thanh tra tại đơn vị 136 cuộc, kết luận 180 cuộc. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 178,896 tỷ đồng và 3,3 ha đất, kiểm điểm trách nhiệm đối với 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm và chuyển cơ quan điều tra 1 cuộc.

Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng đất đai, giao đất; việc quản lý và sử dụng vốn, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố… Riêng cơ quan Thanh tra Thành phố đã triển khai thực hiện 54 cuộc thanh tra và phát hiện vi phạm 104,173 tỷ đồng, kiểm điểm trách nhiệm đối với 8 tập thể và 18 cá nhân.

Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra thành phố đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Thực hiện nghiêm việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân  định kỳ của Lãnh đạo cơ quan.

Đồng thời, Thanh tra thành phố và các đơn vị thanh tra quận, huyện, thị xã, sở ngành đã chủ động, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình khiếu nại tố cáo ngay từ khi phát sinh tại cơ sở để tập trung giải quyết; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, tập trung giải quyết các vụ đông người, phức tạp, hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính của chính quyền cơ sở… Qua giải quyết khiếu nại tố cáo đã kiến nghị thu hồi 2.766 triệu đồng và 3.617 m2 đất, trả cho công dân 3.217 triệu đồng và 2.445 m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân để xảy ra sai phạm. Chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

Ngoài ra, Thanh tra thành phố đã tham mưu giúp UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 và đôn đốc các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

Theo Chánh thanh tra Nguyễn An Huy, có thể thấy, trong năm 2018, tập thể lãnh đạo Thanh tra thành phố đã đoàn kết, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể, bám sát và trực tiếp chỉ đạo đúng người, đúng việc. Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra nội bộ, đánh giá số lượng, chất lượng công việc đối với từng phòng, công chức, người lao động,… Qua đó, đã xây dựng cơ quan thanh tra trong sạch, vững mạnh, đội ngũ công chức thanh tra có năng lực, trình độ, kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đồng bộ các giải pháp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả  đạt được vẫn còn có một số tồn tại nhu một số  đoàn thanh tra, một số vụ khiếu nại tố cáo phức tạp chậm kết luận hay việc phối hợp, đôn đốc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo còn đạt tỷ lệ chưa cao,…

Chính vì vậy, để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của thành phố, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực bộ máy cơ quan thanh tra các cấp, các ngành, theo ông Nguyễn An Huy, Thanh tra thành phố cần tập trung vào công tác xây dựng ngành Thanh tra. Căn cứ định hướng xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thanh tra Chính phủ, củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan thanh tra các cấp, các ngành, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra, tăng cường đẩy mạnh hoạt động thanh tra, phòng chống tham nhũng và tham mưu giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo để đáp ứng yêu cầu của Thành ủy, UBND Thành phố và thực tiễn xã hội.

Bên cạnh đó, cần bám sát định hướng công tác thanh tra hàng năm của Thanh tra Chính phủ và chỉ  đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng; tài chính ngân sách…

Tổ chức tốt hoạt động thanh tra chuyên ngành trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, tập trung vào các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như tài nguyên và môi trường; y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, giám sát, kiểm tra hoạt động đoàn thanh tra.

Tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các chỉ thị của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó xác định phòng ngừa là chính. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực trọng điểm dễ xảy ra tham nhũng như: Tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước,… gắn công tác phòng chống tham nhũng với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ các đơn tố cáo hành vi tham nhũng; tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Việt Hà - Thiện Tâm

Top