Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông đô thị

15/07/2020 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua bao gồm 214 dự án xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách Thành phố, trong đó xác định hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020 có 148 dự án và chuyển tiếp 66 dự án sang giai đoạn 2021 – 2025. Hiện các dự án đang cần được đẩy nhanh để đáp ứng được tiến độ.

Theo nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 04/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố danh mục công trình giao thông trọng điểm gồm 41 dự án (24 dự án thực hiện bằng nguồn vốn NSTP, 17 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đến nay đã có 05 dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2020.

Qua rà soát, có một số dự án chưa đáp ứng được tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Việc triển khai các dự án chưa đảm bảo theo kế hoạch tiến độ đề ra do khối lượng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn, việc bố trí tái định cư chưa kịp thời, đồng bộ với tiến độ GPMB; chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có sự thay đổi, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; mặt bằng được bàn giao thường ở tình trạng xen kẹt, xôi đỗ; Đồng thời một số dự án vừa triển khai thi công, vừa tổ chức giao thông phục vụ nhu cầu đi lại bình thường cho nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách mới đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP  sau khi Chính phủ ban hành các nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018, số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 và Luật quản lý sử dụng tài sản công 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017 có hiệu lực thi hành. Theo đó cần rà soát, nghiên cứu để tục triển khai thực hiện cho phù hợp với các quy định mới.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về tiến độ GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn để đảm bảo tiến độ triển khai theo đề xuất điều chỉnh của chủ đầu tư các dự án; Tập trung quyết liệt, đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Đồng thời Sở cũng kiến nghị cần có phương án tiếp tục triển khai đối với các công trình điểm đã được xác định đầu tư theo hình thức đối tác công tư loại hợp đồng BT và xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư từ việc đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đối với các công trình trọng điểm như Quốc lộ 6 Ba La – Xuân Mai, đường 70, Đường vành đai 3,5: đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao khác mức giữa đường VĐ3,5 với Đại lộ Thăng Long…

Trong quá trình rà soát cần lưu ý việc Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 trong đó quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Minh Anh

Top