Để bãi rác Nam Sơn không thành nỗi bức xúc 'kinh niên'

30/10/2020 1:38 PM

(Chinhphu.vn) - Lâu lâu, lại rộ lên vấn đề "bãi rác Nam Sơn" và đi kèm với đó là người dân toàn thành phố phải chịu cảnh rác ngập phố. Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời không khó đưa ra nhưng đâu là giải pháp căn cơ thì có lẽ vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền.

Bài 1: Nỗi bức xúc mang tên ‘bãi rác Nam Sơn’

15 lần trong nhiều năm và lần thứ 2 trong năm 2020, người dân xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) ngăn cản xe chở rác di chuyển vào bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn bởi những bức xúc liên quan đến ô nhiễm môi trường ngày càng tăng và những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết kịp thời.

Khu vực bãi rác Nam Sơn nhìn từ Google Maps

“Rác đã cao hơn mái nhà dân”

20h20 ngày 23/10, lần thứ 2 trong năm 2020, hàng chục người dân ở các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ đã căng lều, bạt ngăn cản xe chở rác di chuyển vào 2 cổng bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong những năm qua người dân địa phương ngăn cản xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

“Rác đã cao hơn mái nhà người dân”, Bí thư xã Hồng Kỳ Hoàng Thị Hà cho biết. Bãi rác Nam Sơn hiện đã quá tải, hạn vận hành bãi rác là 20 năm nhưng đến nay đã hơn 20 năm; theo thiết kế bãi rác cao 21m nhưng đến nay là 39m; một số nhà dân chỉ cách bãi rác 100m.

Nêu nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người chặn xe rác, Bí thư xã Hồng Kỳ cho biết, người dân bức xúc vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt những ngày gần đây, khu vực bãi rác bốc mùi nồng nặc; các xe chở rác bị ùn ứ, đỗ hàng dài ngoài đường làm rò, rỉ nước rác bốc mùi dọc tuyến đường từ đường 35 đi Bắc Sơn, nhất là tại khu vực thôn 2, xã Hồng Kỳ gây tiếng ồn, ô nhiễm nặng, mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Thậm chí, mùi từ bãi rác rất “nặng” bốc ra với bán kính xa, ảnh hưởng đến cả thị trấn Sóc Sơn.

Rác tại một số quận nội thành Hà Nội ùn ứ

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng được lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết. Cụ thể, các hộ dân bức xúc tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn trong bán kính 500m từ hàng rào khu Liên hiệp, xử lý chưa bảo đảm tiến độ.

Các hộ dân chưa đồng thuận và đề nghị UBND Thành phố giải quyết một số chính sách liên quan như được bồi thường, hỗ trợ diện tích đất ở theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, áp dụng, áp dụng theo khoản 5 Điều 24 Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014 của Chính phủ (đối với các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt hạn mức đất ở 400m và đã chia tách, mua bán, chuyển nhượng).

Đối với các trường hợp đã chuyển nhượng hết đất ở, hiện các hộ dân đang sinh sống trên phần diện tích đất vườn (trồng cây lâu năm) cùng thửa đất ở, đề nghị được hưởng suất tái định cư để ổn định đời sống…

Việc người dân ngăn cản không cho xe chở rác vào khu vực bãi rác Nam Sơn khiến rác tại một số quận nội thành Hà Nội ùn ứ. Lặp lại tình trạng của những lần trước khi người dân chặn xe vào khu vực bãi rác Nam Sơn, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình... rác lại tràn ngập trên phố.

Lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn 12 quận, 5 huyện sau 3 ngày tại: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh khoảng 7.100 tấn. Chỉ vài ngày rác không được chuyển đi, nhiều khu vực nội thành đã cảm thấy "ngạt thở", rất "khó chịu" về cả vệ sinh môi trường lẫn cảnh quan thì với người dân 3 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn có nhiều người dân đã sống cùng khu vực bãi rác gần 20 năm.

Rác chất đống tại một con ngõ nhỏ ở quận Ba Đình tối 26/10

Nhiều lần xử lý nhưng vẫn chưa có hồi kết

Nhiều năm qua, TP. Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác thải rắn, nhiều lần lãnh đạo Thành phố đã về đối thoại với người dân với mục tiêu để bãi rác không còn là nỗi khổ với người dân. Kết luận tại buổi đối thoại ngày 17/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng: “Thành phố đã có đầy đủ các cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc, còn làm chưa đúng như người dân đã nêu. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những tồn tại mà cán bộ cấp cơ sở chưa làm tốt”. Sau buổi đối thoại này, người dân đã dỡ lều bạt sau 5 ngày cản xe rác.

Nhưng chỉ sau hơn 3 tháng, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ tiếp tục căng lều bạt, ngăn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn vẫn với lý do đề nghị Thành phố sớm phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường và sớm trả tiền hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng, vì những nội dung được người dân kiến nghị đã lâu nhưng giải quyết của các cơ quan chức năng rất chậm.

Nhiều kiến nghị, đơn thư đã được người dân gửi các cơ quan chức năng của Thành phố. Nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết kịp thời khiến người dân lại thêm một lần phản đối các cơ quan chức năng và dựng lều, chặn xe không cho vào bãi rác.

Ở lần thứ 15, sau 3 ngày vận động, tuyên truyền từ cơ sở, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đơn vị đảm trách công tác vận hành bãi rác Nam Sơn cho biết, từ 20h05 ngày 26/10, bãi rác Nam Sơn đã được thông, xe vận chuyển rác đã bắt đầu vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Ngày 27/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Văn bản hỏa tốc 5148/UBND-ĐT chỉ đạo xử lý khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm công tác vận hành an toàn Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

“Để xảy ra tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, mà trực tiếp do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan của Thành phố và địa phương chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt; ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị chưa cao. Việc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người dân còn chưa chủ động, thiếu tính khoa học, nặng về thủ tục hành chính. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn chưa kịp thời, gây bức xúc cho người dân”, văn bản của TP. Hà Nội nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

TP. Hà Nội đã đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để khắc phục các vướng mắc, hạn chế, bảo đảm công tác vận hành an toàn Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/4/2014, Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn có vị trí tại xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn. Diện tích mở rộng đến năm 2020 là 157 ha; năm 2030 là 257 ha; năm 2050 là 280 ha.

Công suất thiết kế đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày; năm 2030 khoảng 6.000 tấn/ngày; năm 2050 khoảng 7.000 tấn/ngày. Phạm vi phục vụ: Khu vực nội đô, các quận (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, các huyện (Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì). Riêng chất thải rắn công nghiệp phục vụ xử lý liên tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên).

Đây là khu xử lý rác chủ yếu và quan trọng của TP. Hà Nội. Hiện tại, hàng ngày tại đây tiếp nhận khoảng 4.500-5.000 tấn rác sinh hoạt của các quận, huyện. 

Giai đoạn 1 có diện tích 83,2 ha, vận hành từ năm 1997 và đóng bãi từ năm 2017; giai đoạn 2 diện tích trên 73,73 ha thực hiện từ 2014 do Ban quản lý Dự án các công trình đầu tư cấp nước môi trường thực hiện. Tuy nhiên dự án này đến nay chậm tiến độ 4 năm.

Huyện Sóc Sơn được TP. Hà Nội giao thực hiện Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác. Dự án có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời với tổng diện tích đất khoảng 396ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Đối với đất nông nghiệp tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với đất ở, tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chậm do quá trình đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, lên phương án bồi thường.

Gia Huy

Bài 2: Gi ải quyết dứt điểm, bảo đảm tối đa quyền lợi người dân

Top