Để hàng Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại

26/10/2020 2:10 PM

(Chinhphu.vn) - Để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống siêu thị đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất cần nắm rõ những quy định, qua đó xây dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ.

Người tiêu dùng mua hàng tại chuỗi bán lẻ Big C. Ảnh: Bích Phương

Mới đây, tại hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại”, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng Việt và sản phẩm nằm trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp là vấn đề đầu ra của sản phẩm.

Là một doanh nghiệp có có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm, bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì chia sẻ, năm 2019, doanh nghiệp bà đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP. Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng. Đây cũng là khó khăn mà nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP gặp phải khi tìm kiếm đối tác tiêu thụ.

Trong khi doanh nghiệp sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Centra Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, mặc dù Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP nhưng theo quy định, để đưa vào hệ thống đòi hỏi hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán.

“Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại”, bà Phương phân tích.

Để giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ. Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các nhà sản xuất cần xác định mục tiêu của mình là sản xuất gắn liền với kinh doanh. Đồng thời doanh nghiệp bán lẻ cũng cần “đồng hành” với doanh nghiệp sản xuất thông qua việc cắt bớt các khâu trung gian, giảm giá bán sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng, tăng mức tiêu thụ.

Về phía chuỗi bán lẻ, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho biết, Big C cử nhân viên về các địa phương tìm kiếm sản phẩm đặc trưng; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị...

“Hiện nay, Big C có các chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ nông dân và HTX với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý”, ông Hà nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đánh giá, chương trình kết nối đưa sản phẩm Việt vào chuỗi bán lẻ hiện đại không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa, mà còn giúp các nhà sản xuất trong nước, nhất là nông sản Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, cách tiếp cận thị trường, đóng gói bao bì cũng như quảng bá đến người tiêu dùng theo xu hướng hiện đại. Theo đó , định vị giá trị thương hiệu của hàng Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm cho hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã làm việc với nhiều tập đoàn phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống bán lẻ thuộc các tập đoàn phân phối lớn. Từ đó, mở rộng kênh xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam ra thế giới.

Bích Phương

Top