Để lại 1,5% chỉ tiêu công chức để tinh giản trong năm 2021

16/10/2020 1:52 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Nội vụ cho biết Hà Nội để lại 1,5% trên tổng biên chế công chức được giao năm 2020 đối với viên chức để lại 2% trên tổng biên chế viên chức được giao (ngoài y tế, giáo dục) để tinh giản theo tỷ lệ cho năm 2021.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị Giao ban. Ảnh: Gia Huy

Báo cáo tại Hội nghị giao ban UBND TP. Hà Nội 9 tháng năm 2020 sáng 16/10, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, để tiếp tục tinh giản biên chế, Thành phố đã yêu cầu các đơn vị đăng ký chỉ tiêu thi tuyển công chức, viên chức.

Trong đó các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, đăng ký chỉ tiêu thi tuyển công chức, viên chức theo nguyên tắc, đối với công chức hành chính để lại 1,5% trên tổng biên chế công chức được giao năm 2020 để thực hiện việc tinh giản biên chế cho năm 2021; đối với viên chức để lại 2% trên tổng biên chế viên chức được giao (ngoài y tế, giáo dục) để tinh giản theo tỷ lệ cho năm 2021.

Thành phố đã phê duyệt chỉ tiêu và ban hành 7 kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2020 với tổng số 440 chỉ tiêu.

Thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Kết quả, đã sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 huyện, thị xã trên địa bàn; sáp nhập Ban Quản lý dự án quy hoạch kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp; sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giảm từ 21 trường còn 10 trường, giảm 11 trường (đạt tỷ lệ 52,4%), phương án sắp xếp các cơ sở bảo trợ xã hội (từ 12 cơ sở còn 5 cơ sở, như vậy giảm 7 cơ sở, tỷ lệ 58,3%).

Đối với công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội, bà Vũ Thu Hà cho biết, kết quả CCHC của Hà Nội được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội năm 2019 tiếp tục đứng thứ 2/63 tỉnh, thành. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phổ (SIPAS) đạt trên 80%. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 2 thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm.

Để đạt được kết quả này, Hà Nội đã tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của thành phố Hà Nội (SIPAS).

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC; Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được duy trì thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Thành phố đã ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực từ 14/10/2020. Việc ban hành Quy định này, sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố chủ động kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị linh hoạt, hiệu quả và nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Hà Nội đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố có thể thực hiện thành công chính quyền đô thị, khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách tài chính công.

Hòa An

Top