Để thực phẩm sạch được ‘phủ sóng’ rộng hơn

17/11/2020 2:17 PM

(Chinhphu.vn) - Để thực phẩm sạch, nông sản sạch “phủ sóng” rộng hơn tại các hệ thống phân phối, hệ thống thương mại hiện đại, việc cần làm là nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng.

Người dân mua thực phẩm sạch tại siêu thị. Ảnh: Diệu Anh

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng thông minh, họ đã biết cách chọn mua nông sản, thực phẩm có nhãn mác, thương hiệu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trên các hệ thống phân phối hiện đại. Thường xuyên mua thực phẩm, nông sản tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chị Đỗ Thị Thủy chia sẻ, là người nội trợ trong gia đình, hằng ngày chọn mua rau quả, thực phẩm tại các siêu thị vì chị tin rằng các sản phẩm, hàng hóa ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng giám sát chất lượng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Vincommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích VinMart, VinMart ) Dương Thị Thanh Tâm, năm 2020, đơn vị này liên kết với hàng nghìn hộ sản xuất, cung ứng khoảng 100.000 tấn nông sản thực phẩm an toàn. Riêng nhóm thực phẩm tươi sống được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bởi các nhà cung cấp uy tín ở các địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho hay, yêu cầu hàng đầu của hệ thống siêu thị này là nhà cung cấp bảo đảm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, kết hợp công nghệ sau thu hoạch.

“Bình quân hằng tháng, hệ thống Co.opmart tiêu thụ vài chục nghìn tấn nông sản, thực phẩm. Doanh số tiêu thụ của các hợp tác xã, hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống qua Co.opmart đạt gần 1.200 tỷ đồng/năm”, bà Dung nói.

Thực tế cho thấy, trong việc đưa thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và tạo ra được sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong chuỗi sản xuất - vận chuyển - tiêu dùng. Đơn cử, để chủ động nguồn cung bảo đảm yêu cầu, Công ty CP Dịch vụ thương mại Tổng hợp VinCommerce đã hỗ trợ nông dân nhiều địa phương sản xuất, nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết các địa phương về sản xuất sản phẩm trái cây vùng miền... Các sản phẩm này được đưa vào tiêu thụ tại hơn 800 cơ sở Vinmart.

Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt cũng hoạt động theo chuỗi sản xuất, cung ứng. Công ty sản xuất và liên kết sản xuất thực phẩm an toàn như thịt lợn, gà, rau, củ, quả..., chế biến và cung ứng cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, cửa hàng, siêu thị...

Đồng hành cùng phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Có thể thấy, việc nỗ lực đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối hiện đại là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát nguồn gốc cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch nên nông dân còn gặp khó khi kết nối với hệ thống phân phối hiện đại…

Để giải quyết những bất cập trên, thời gian qua, ngành Công Thương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà sản xuất phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Hằng năm, thành phố Hà Nội đều tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với 53 tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối trên địa bàn.

Tính từ năm 2014 đến nay, trên 200 sự kiện, hội chợ, tuần hàng nông sản đã được Hà Nội tổ chức. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo nhu cầu nông sản tăng từ 3% đến 20% theo từng nhóm hàng. Nhưng nhờ hoạt động kết nối, các đơn vị phân phối đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú từ các tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu người dân.

Khẳng định hệ thống phân phối hiện đại là kênh định hướng và giải quyết tốt nhất việc đưa hàng hóa sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, bảo đảm tiêu chuẩn đến người tiêu dùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm, 999 đại siêu thị, siêu thị; 1.000 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.

“Sở sẽ hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong, ngoài nước đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình”, bà Lan nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng mô hình sản xuất sạch và kết nối hình thành chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa an toàn qua các hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời tạo thêm cơ chế hỗ trợ người sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Diệu Anh

Top