Đề xuất đánh giá ô nhiễm môi trường một số sông ở Hà Nội

09/01/2019 1:19 PM

(Chinhphu.vn)-Tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 do Bộ TN&MT tổ chức ngày 8/1, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố đã tổ chức số hóa việc quản lý đất đai, đã triển khai được ở 3 quận, huyện.

Một số đoạn của sông Tô Lịch vẫn còn ô nhiễm

Hiện, thành phố đang tổ chức ứng dụng CNTT vào việc đo vẽ bản đồ ở các địa phương khác và phấn đấu hoàn thành vào năm 2019.

Cũng Liên quan đến quản lý đất đai, năm 2018, thành phố đã chỉ đạo các đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường đi các quận, huyện để giải quyết các khó khăn về đất đai cho các quận huyện, đặc biệt là việc giải quyết khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo lãnh đạo UBND thành phố, năm qua, Thành phố đã nối mạng toàn bộ hệ thống dịch vụ công, có 1.058/1.922 thủ tục đã thực hiện qua dịch vụ công đạt mức độ 3, mức độ 4; hiện đã lắp đặt và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí để người dân có thể theo dõi diễn biến chất lượng không khí hàng ngày của Thủ đô.

Ngoài ra, còn hoàn thành chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh và từ nay đến năm 2020 sẽ trồng thêm được 600.000 cây xanh; kêu gọi xã hội hóa toàn bộ các trạm cấp nước sạch cho người dân, đồng thời, đang tổ chức đóng cửa các khu vực khai thác nước ngầm.

Bên cạnh những nhiệm vụ đã đạt được, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nêu một số tồn tại như: Còn tồn tại gần 3 triệu thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa; Tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở các tòa nhà chung cư còn chậm; khiếu kiện về đất đai còn nhiều (chiếm khoảng 84% tổng đơn thư), có nhiều khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, 95% lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp, công tác thu gom xử lý rác thải hoàn toàn thủ công.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng ô nhiễm không khí.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng đề xuất Chính phủ và Bộ TN&MT cùng thành phố Hà Nội vào cuộc đánh giá việc ô nhiễm môi trường ở sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ… trên cơ sở đó, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thành phố xử lý được ô nhiễm, đặc biệt là giải quyết ô nhiễm liên quan đến các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị có giải pháp giải quyết các bất cập về tính giá dịch vụ cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng các nhà máy xử lý nước thải; đồng thời kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng một phần mềm quản lý đất đai có thể tích hợp được nhiều dữ liệu và dễ dàng tương tác với các địa phương, để tạo ra được hệ thống dữ liệu lớn tránh tình trạng xung đột giữa các phần mềm.

Vĩnh Hoàng

Top