Đi tìm những món quà đậm nét truyền thống của du lịch Việt

13/02/2018 2:16 PM

(Chinhphu.vn) - Để lưu giữ truyền thống, tìm hướng đi mới cho ra đời những món quà du lịch Việt mang hương vị truyền thống và vẫn sáng tạo hiện đại, có một nhóm bạn trẻ đã tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo ra “Những điều xưa cũ mới mẻ” của dòng tranh Hàng Trống.

Triển lãm “Tranh Hàng Trống: Những điều xưa cũ mới mẻ”. Ảnh: Linh Lan

Ngày Tết, người dân Hà thành xưa, mỗi nhà lại tìm về cho mình những bức tranh treo. Phố Hàng Trống và những khu phố lân cận lại tấp nập người đến mua tranh. Tiếc là từ lâu dòng tranh này đã gần như mai một, chỉ duy nhất một gia đình nghệ nhân còn làm. Và Triển lãm “Tranh Hàng Trống: Những điều xưa cũ mới mẻ” đã mang đến cho người xem những điều thú vị về tranh Hàng Trống.

"Cảm ơn triển lãm “Tranh Hàng Trống: Những điều xưa cũ mới mẻ”, bạn Trịnh Thu Trang và nhóm S River đã cho công chúng được xem, tìm hiểu và có một cái nhìn rõ hơn về tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng. Các bạn là nguồn cảm hứng lớn cho những người làm thiết kế như tôi. Xin cảm ơn!”. Đó là dòng tâm sự của người xem triển lãm về tranh Hàng Trống Ngô Đức Hiếu. Một triển lãm dòng tranh dân gian tưởng chừng như có thể gặp ở bất cứ bảo tàng hay trưng bày nào. Nhưng cuộc triển lãm thu hút trước tiên vì người ta muốn đến xem những “điều xưa cũ” là gì và nó “mới mẻ” như thế nào? Ứng dụng ra sao?

Điều khá bất ngờ là triển lãm thu hút khá đông người xem, kể cả khi nó đã bước sang ngày thứ 2, thứ 3… Đặc biệt, giới trẻ tìm đến khá đông. Nhiều người trong số họ thắc mắc về tranh Hàng Trống, muốn mua tranh về khi đến xem và nhiều người ngỡ ngàng hỏi đường tìm đến nhà nghệ nhân tranh Hàng Trống còn duy nhất sót lại trên lại thế giới, bác Lê Đình Nghiên…

Trong số những người bạn đến xem tranh, chúng tôi bắt gặp cô gái người Nga tên Natalia Kornienko. Bạn học về quan hệ quốc tế, nói tiếng Việt khá sõi và rất quan tâm cuốn sách “Họa sắc Việt” được giới thiệu tại triển lãm do Trịnh Thu Trang và nhóm S River thực hiện. Cuốn sách (dự kiến phát hành vào tháng 3/2018) thu hút bởi những họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống được số hóa làm cảm hứng sáng tạo thành những thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam. Nó cũng làm người ta hiểu hơn về tranh Hàng Trống, về vẻ đẹp bất ngờ mà dòng tranh dân gian mang lại. Chẳng hạn, trong những đàm luận về du lịch ngày nay, chúng ta đi tìm những câu chuyện văn hóa, những cốt truyện dân gian để kể cho du khách. Trong tranh hàng Trống có không chỉ một mà rất nhiều những câu chuyện như thế, mỗi bức tranh đều kể những câu chuyện của riêng mình. Nếu hiểu người ta sẽ thấy nhiều điều lý thú.

Những họa tiết, màu sắc đó qua con mắt của những nhà thiết kế trẻ này kể những câu chuyện về tranh Hàng Trống, về nét văn hóa của người Việt và cả về những sản phẩm sử dụng chúng. Chẳng hạn bức tranh Trê Cóc kiện đòi con cho nhóm nguồn nguyên liệu để làm sản phẩm mang tính động. Các bạn trẻ trong nhóm phát hiện trong phiên tòa xử nuôi con, “vị quan tòa cá chép” râu vểnh sống động ra oai, những “kẻ đâm nguyên chọc bị” cua, tôm, tép… hằm hằm như ra trận trong cuộc chiến, con nào cũng giơ càng, giơ chân nhăm nhăm xúi bẩy… Họ cho rằng, mỗi hình nhỏ nhỏ trong bức tranh đó thôi cũng đã là nguyên liệu cho mỹ thuật ứng dụng vì tính đẹp và sống động đến bất ngờ. Họ chỉ việc lấy ra, kết hợp sao cho nhuần nhuyễn, phát huy những họa tiết đó. Những câu chuyện đó khiến người ta tò mò, thích thú muốn nghe và những câu chuyện đó đang rất thiếu ở Việt Nam. Và đó dường như chính là điều triển lãm này muốn mang lại.

Trịnh Thu Trang, người sáng lập và tâm huyết của nhóm S River tâm sự, từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam, một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng. Mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Dự án là một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. S River không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại mà chắt lọc những chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những người thiết kế đồ họa, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay giới nghệ thuật khác. Đó là cách S River thực hiện với mong muốn những giá trị dân gian xưa “sống lại”, ở bất cứ đâu trong đời sống đều có thể dễ dàng bắt gặp.

Khởi đầu này có thể được coi là tương đối hấp dẫn, đi hợp với xu thế khi hiện nay chúng ta vẫn đang đi tìm những món quà du lịch truyền thống. Để du khách đến Việt Nam không còn cảnh “đỏ mắt” vẫn không biết nên mua gì cố giá trị văn hóa thay vì những con búp bê hay tấm thiệp đã cũ mèm về thiết kế và ý tưởng. Những thiết kế dân gian mang tính hiện đại, chứa đựng chất xám và sự năng động của đất nước chẳng phải đang là những tìm kiếm của chúng ta bấy lâu. Đã có bước khởi đầu, cần lắm những mạnh thường quân tinh ý kinh doanh biến những thiết kế này thành các sản phẩm hấp dẫn, để chúng ta hay du khách đều tự hào được sở hữu và giới thiệu với bạn bè thế giới về một Việt Nam được kết tinh trong đó.

Linh Lan

Top